Theo bài viết, sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19 tấn công nhân loại, các quốc gia Đông Nam Á đã có những chuyển biến tích cực, chủ động vươn lên phục hồi kinh tế. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là thành viên ASEAN có nhiều tiến bộ trong chống dịch COVID-19 cũng như trong công cuộc tái thiết và xây dựng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để vượt qua thảm cảnh đại dịch.
Từ cuối năm 2021, khi đã xác định rõ giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đề ra chiến lược phục hồi kinh tế, thúc đẩy hợp tác và quan hệ với các đối tác. Để cụ thể hóa chủ trương này, cuối năm 2022, Ban lãnh đạo Việt Nam đã tăng cường các chuyến thăm song phương tới các nước thành viên khác trong ASEAN, trong đó có Indonesia, với mong muốn cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp phục hồi kinh tế, đầu tư hiệu quả và phát triển bền vững. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của khu vực còn nhiều khó khăn như lạm phát kinh tế, thiên tai lũ lụt, Việt Nam được ví như “cánh én đón Xuân” trong “bầu trời” tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 12 năm qua, Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực phát triển cho các quốc gia trong khu vực.
Trong các bước thực hiện chính sách hợp tác phát triển kinh tế, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore và Brunei từ ngày 8-11/2 là thông điệp rõ ràng về mong muốn hợp tác, thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường gắn kết chính trị với các nước ASEAN nói chung và với Singapore, Brunei nói riêng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hài hòa, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore với những thành tựu đạt được trong thời gian qua là một điểm sáng nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, Singapore luôn là một trong những nhà đầu tư chính tại Việt Nam và hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN; đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài hợp tác song phương, Việt Nam và Singapore còn phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC. Hai bên khẳng định quyết tâm đóng góp tích cực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung của Hiệp hội trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam và Singapore nỗ lực tận dụng hiệu quả các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, góp phần hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và góp phần phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch.
Với Brunei, một quốc gia Hồi giáo, quan hệ giữa Việt Nam và Brunei đã có những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Tháng 3/2019, quan hệ giữa hai nước được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển sâu rộng hơn nữa của quan hệ Việt Nam-Brunei trên các lĩnh vực.
Việt Nam và Brunei nhất trí thúc đẩy bước đầu xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện giai đoạn 2023-2027, tiếp tục tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký, gia hạn Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, phối hợp ứng phó với các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống, thách thức về an ninh, trong đó có đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm mạng. Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Brunei phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại ASEAN và Liên hợp quốc, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Hai bên chia sẻ quan điểm và nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy các nguyên tắc và lập trường chung của ASEAN trong quan hệ với các đối tác, cũng như về vấn đề Myanmar và Biển Đông, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và bền vững, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.