Truyền thông Pháp nhận định về EU không có Anh quốc

Đúng 23h ngày 31/1/2020 (theo giờ GMT), nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). Truyền thông Pháp cho rằng sự kiện này là một tổn thất lớn của liên minh, có thể làm đảo lộn bức tranh tổng quan châu Âu. 

Chú thích ảnh
Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời khắc 23 giờ GMT tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Le Monde và Les Echos, những xáo trộn của EU sau Brexit có thể nhận thấy rõ qua số liệu. Sau Brexit, EU mất đi 66 triệu dân cùng 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nước Anh từ vai trò một thành viên giờ trở thành ”một nước cạnh tranh ngay ở cửa ngõ", theo nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau Brexit, EU chỉ còn một nước ủy viên thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đó là Pháp.

Mất mát thứ hai là sự trống vắng về mặt tư tưởng. Một nhà ngoại giao giấu tên nhận định từ thời Thủ tướng Margaret Thatcher đến Thủ tướng Tony Blair, "London đã kiến tạo quá trình xây dựng châu Âu, định hướng theo mô hình ủng hộ thị trường và ủng hộ mở rộng”. Thủ tướng Margaret Thatcher thời đó muốn biến thị trường nội địa của khối thành nền tảng cho việc xây dựng châu Âu. Anh đã hình thành được mạng lưới liên minh gồm Hà Lan, 3 nước Bán đảo Scandinavie và một phần Đông Âu để mang lại cho liên minh một hình ảnh tự do hơn. Ông Eric Maurice, phụ trách văn phòng tại Brussels (Bỉ) của Quỹ Robert Schuman, nhận định: ”Từ những năm 90 của thế kỷ trước và sau khi mở rộng năm 2004, cách nhìn của Pháp tại châu Âu đã bị thụt lùi”. Và Đức, nước đầu tàu kinh tế trong liên minh, được lợi nhất trong việc EU mở rộng thành viên.

Tuy nhiên, truyền thông Pháp cũng cho rằng Brexit cũng có thể làm Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mạnh hơn. Thực vậy, dù là thành viên của EU, nhưng Anh thường "một mình một kiểu" từ năm 1973, thậm chí bị coi là làm suy yếu khối này, như không tham gia Eurozone và khối Schengen (đi lại không cần thị thực) trong khi thường xuyên yêu cầu được miễn trừ, như về mặt tư pháp và nội vụ.

Theo ông Enrico Letta, cựu Thủ tướng Italy hiện là Chủ tịch Viện Jacques Delors, khi Anh rời khỏi EU, liên minh tiền tệ có thể sẽ trở nên mạnh hơn, chiếm khoảng 85% GDP của khối, thay vì gần 72% hiện nay. Và tỷ lệ này sẽ còn cao hơn vì Croatia và Bulgaria đang muốn tham gia Eurozone. 

Brexit cũng sẽ làm thay đổi cân bằng trong khối. Dự án "địa chính trị" của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen - người muốn xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn, nhiều chủ quyền hơn và đầu tư vào xã hội nhiều hơn - có lẽ đã không có những ưu tiên như vậy nếu Anh can thiệp. Thực vậy, London đã bớt tham gia công việc của châu Âu kể từ năm 2016 sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. 

Nghị sĩ Bỉ Philippe Lamberts nhận định "rất nhiều nước đứng sau London”, như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg trong vấn đề thuế khóa, hoặc Hà Lan và Đức về ngân sách châu Âu. Ngoài ra, vai trò của các nước đầu tàu cũng được phân bổ lại, thay cho bộ ba trước đây là Pháp, Đức và Anh.  

Thị trường nội khối EU với khoảng 450 triệu người tiêu dùng chắc chắn vẫn là đòn bẩy hàng đầu cho sự thống nhất của châu Âu. Ngoài ra, khả năng châu Âu thuyết phục Ba Lan cam kết mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2025, hoặc xây dựng một chính sách chung về nhập cư sau nhiều tháng bế tắc, cũng như định hướng về ngân sách đang được đàm phán sẽ là những bài trắc nghiệm đầu tiên về khả năng vươn dậy của EU sau Brexit.

Tuy nhiên, truyền thông Pháp cho rằng chính cách đàm phán giữa Anh và EU về mối quan hệ tương lai cũng mang tính quyết định cho EU. Một mặt, điều này giúp hạn chế những thiệt hại do Brexit gây ra, kể cả về địa chính trị. Mặt khác, đây cũng là phép thử về sự đoàn kết của 27 nước còn lại, mà trong cuộc đàm phán này, lợi ích của mỗi nước lại không tương đồng. Nếu 27 nước còn lại chia rẽ thì rõ ràng Brexit thực sự làm suy yếu EU.

Thanh Phương (TTXVN)
Người châu Âu tại Anh buồn vì Brexit
Người châu Âu tại Anh buồn vì Brexit

Sau “cuộc ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào sáng nay, nhiều người dân châu Âu đang sinh sống tại London coi đây là một “ngày buồn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN