Những nhận định và phân tích của các tờ báo lớn, hãng tin trên thế giới về vấn đề đang xảy ra tại Ukraine.Người dân biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người Nga ở bán đảo Crimea và đông Ukraine ở thành phố miền nam Rostov-on-Don ngày 4/3. Ảnh: AFP-TTXVN |
Báo Wall Street Journal: Cái giá Nga phải trả cho CrimeaGánh nặng phải hỗ trợ ngân sách yếu kém của Crimea (Crưm) - khiến Ukraine hàng năm mất 1,1 tỷ USD- có thể chuyển sang LB Nga nếu Moskva đồng ý sáp nhập bán đảo li khai này. Tuy nhiên chi phí này có thể còn lớn hơn khi Nga tìm cách tăng thu nhập của người dân địa phương cho bằng mức trung bình tại Nga.
Theo Wall Street Journal, bất chấp thực tế Crimea là điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng, bán đảo này không thể tự đảm bảo nếu không có khoản hỗ trợ lớn từ bên ngoài, vốn chiếm 57% ngân sách tương đương với 3,03 tỷ hryvnia (UHA) trong năm 2014 lấy từ ngân sách quốc gia.
Wall Street Journal cho rằng trong bối cảnh ngày 16/3 Crimea sẽ tổ chức trưng cầu dân ý quyết định liệu họ có muốn tiếp tục là một phần của Ukraine hay trở thành một phần của LB Nga, vấn đề trong tương lai nguồn tiền trên lấy từ đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Reuters: IMF giúp UkrainePhái đoàn Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục làm việc tại Kiev, và tổ chức cho vay chủ chốt này sẵn sàng hỗ trợ chương trình kinh tế của chính quyền Ukraine.
Thông báo của Giám đốc Ban châu Âu IMF Reza Mogadama, mà ngày 6-7/3 đã gặp đại diện chính phủ Kiev cho biết: "IMF sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho nhân dân Ukraine và hậu thuẫn chương trình kinh tế của chính phủ nhằm khẳng định Ukraine sẽ đi trên con đường tăng trưởng kinh tế ổn định".
Theo đề nghị của chính quyền Ukraine, phái đoàn IMF từ 4-14/3 đang tiến hành các cuộc đàm phán tại Kiev. Thông báo của phái đoàn này cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi, thu thập và phân tích thông tin thực tế tiếp tục diễn ra thành công. Phái đoàn đã có hiểu biết rõ về mức độ bất cân đối cần điều chỉnh để ổn định nền kinh tế (Ukraine)".
The Guardian: Kỷ nguyên oligarchTheo báo Anh, trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Crimea, chính phủ mới tại Kiev quay sang các nhà tài phiệt (oligarch) địa phương trong nỗ lực kiềm chế tâm lý li khai tại miền Đông vốn ủng hộ Nga.
Tuy nhiên không phải mọi nơi đều đồng tình với việc trao cho oligarch các cương vị chính trị, cụ thể người biểu tình Maidan không ủng hộ điều này bởi họ hy vọng sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych phải đánh dấu một kỷ nguyên mới.
Theo quan điểm của các nhà phân tích chính trị, điều này khiến chính phủ mới trở nên mong manh trong trường hợp họ không còn lựa chọn nào khác, khi phải đối đầu với Moskva.
Adam Swain, chuyên gia địa-kinh tế của Đại học Nottingham, người đã hơn 20 năm tiến hành nghiên cứu của mình tại Donetsk bình luận: "Những người cho rằng vẫn tồn tại một phương án thay thế nào đó là sai lầm. Nay Đảng Các khu vực đã đánh mất mọi vị thế, và oligarch là những người duy nhất có thể ổn định tình hình khu vực (miền Đông)".
Nhiều oligarch của Ukraine - câu lạc bộ tinh hoa với khoảng 12 tỷ phú - đã giàu lên sau khi Liên Xô sụp đổ. Miền Đông Ukraine, với tài nguyên phong phú, trở thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng, khi đại diện các doanh nghiệp thế hệ mới bắt đầu cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát các công xưởng và hầm mỏ "màu mỡ".
Duy Trinh