Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phản ánh không khí tại Hà Nội trong những ngày này, báo Today bày tỏ sự ấn tượng với hình ảnh đường phố và con người Việt Nam trong giờ phút chứng kiến một sự kiện lịch sử mà cả thế giới mong đợi.
Bên cạnh việc an ninh được thắt chặt, đặc biệt là ở những khách sạn mà hai đoàn Mỹ và Triều Tiên sẽ lưu lại trong thời gian hội nghị, Hà Nội cũng đón chào bạn bè quốc tế bằng những khẩu hiệu, áp phích và cờ hoa được trang hoàng rực rỡ, cùng với các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nếp sống văn minh, thể hiện sự thân thiện và mến khách vốn là thế mạnh của người dân thủ đô, thành phố đang bước vào kỷ niệm 20 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là Thành phố Vì Hòa bình.
Trước đó, kênh Channel NewsAsia cũng dẫn nguồn truyền thông nước ngoài đưa tin từ ga Đồng Đăng, thành phố Lạng Sơn của Việt Nam về chuyến tàu bọc thép của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam, sau 2 ngày với quãng đường dài hơn 4.000 km, để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump lần thứ 2 tại Hà Nội. An ninh được thắt chặt không chỉ ở cửa ngõ của Việt Nam với Trung Quốc, mà còn trên suốt tuyến đường dài 170km mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển về Hà Nội nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc gặp lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donal Trump cũng đã tới Hà Nội bằng chuyên cơ. Trên mạng xã hội Twitter, ông khẳng định đang mong chờ một cuộc gặp thứ hai "rất hiệu quả" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Đánh giá về sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, tờ thời báo StraitTimes của Singapore có bài bình luận của các chuyên gia về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2. Theo các nhà phân tích, đây là cơ hội mở ra cho cả hai bên nhằm thúc đẩy đàm phán để tiến tới phi hạt nhân hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định không nên quá lạc quan rằng hai nhà lãnh đạo sẽ đi tới một quyết định đột phá tại hội nghị, mà thay vào đó sẽ là một tuyên bố hòa bình, kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950- 1953. Trong một tuyên bố trước khi tới Hà Nội, ngay chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cho biết ông không có ý định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên, và không thúc đẩy một thỏa thuận vội vàng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ chuyển sang kỳ vọng thấp hơn đồng nghĩa với việc chính quyền Trump sẽ phải đối mặt những thách thức lớn hơn trong việc cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thực tế cho thấy các cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.
Theo các chuyên gia, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các bước mà hai nước có thể thực hiện để cải thiện mối quan hệ như thành lập các nhóm khảo sát chung để tìm kiếm thêm hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên, hay Mỹ sẽ giúp khởi động nền kinh tế Triều Tiên sau quá trình phi hạt nhân, hoặc mở đường cho các công ty phương Tây vào nước này