Một bài phân tích trên báo "Arab News" khẳng định một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Donald Trump là làm giảm xuất khẩu dầu thô của Iran. Theo bài viết, Nhà Trắng thậm chí có kế hoạch "đưa xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0" và ý định này đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố lần đầu tiên hồi tháng trước.
Cho dù Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangane quả quyết rằng "Washington sẽ không đủ khả năng giảm xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0". Tuy nhiên, tác giả bài viết cảnh báo kịch bản trên hoàn toàn có thể xảy ra.
Bài viết nêu rõ kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi JCPOA, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm liên tục, chỉ còn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, từ mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày trước đó.
Nhà Trắng đã cho thấy quyết tâm gây áp lực đối với Tehran cho đến khi đưa xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0. Ví dụ cụ thể nhất là việc Mỹ gần đây đã chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu mỏ đã được thăm dò lớn thứ tư thế giới. Xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm 80% tổng xuất khẩu hằng năm của nước này.
Theo đề xuất ngân sách gần đây do Tổng thống Hassan Rouhani đệ trình, 1/3 nguồn thu của Iran được cho là đến từ việc xuất khẩu dầu thô tới các nước và Tehran kỳ vọng sẽ thu về khoảng 21 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô trong tài khóa này. Điều đó cho thấy Iran phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô để đáp ứng các khoản chi tiêu trong nước.
Theo báo trên, nếu Iran không thể xuất khẩu dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên, sẽ rất khó khăn cho chính quyền Iran tiếp tục gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông. Chính phủ Iran sẽ phải cắt giảm một phần hoặc hoàn toàn sự hỗ trợ tài chính cho một số nhóm vũ trang trong khu vực. Ngoài ra, Iran sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ trong dân chúng, nếu nước này không còn nguồn thu.