TTK LHQ cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tương tự như Thế chiến thứ nhất

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 5/9 cho rằng tình hình hiện nay xung quanh việc Triều Tiên gia tăng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất" mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, tương đương với những gì khiến Chiến tranh Thế giới thứ 1 nổ ra.

TTK LHQ nhấn mạnh các cuộc chiến tranh thường không bắt đầu bằng "một quyết định chóng vánh" thay vào đó Chiến tranh Thế giới thứ nhất diễn ra "từng bước" với việc căng thẳng dần leo thang. Ông hoan nghênh việc Hội đồng Bảo LHQ tiến hành cuộc họp khẩn cấp ngày 4/9 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước thành viên trong HĐBA đoàn kết nhằm đối phó với khủng hoảng, cũng như hối thúc các nước hợp tác tìm ra một giải pháp chính trị.

Bên cạnh đó, TTK LHQ cũng khẳng định sẵn sàng "hỗ trợ mọi nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình đối với tình hình báo động hiện nay" cũng như việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên ngày 28/7. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cùng ngày, Nhật Bản đã tổ chức diễn tập trên đảo Oki ở Biển Nhật Bản nhằm đối phó việc Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa qua lãnh thổ miền Tây nước này.

Khoảng 2.000 người trên đảo Oki đã tham gia cuộc diễn tập tại tòa thị chính và các trường học do chính quyền tỉnh Shimane và thị trấn Okinoshima tổ chức. Tại cuộc diễn tập, một thông điệp thông báo Triều Tiên phóng tên lửa đã được gửi tới khoảng 14.000 người thông qua hệ thống cảnh báo người dân.

Ngay sau thông báo là các biện pháp được triển khai như sơ tán học sinh...Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Triều Tiên hôm 3/9 tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, được coi là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay cũng như việc Bình Nhưỡng tuần trước phóng tên lửa đạn đạo qua đảo Hokkaido, cực Bắc Nhật Bản, ra vùng biển Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã nâng ước tính về sức công phá của vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lên mức 160 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định vụ thử này lớn hơn rất nhiều so với các vụ thử trước, do đó, Tokyo không thể loại trừ đây có thể là một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H). Ban đầu, Chính phủ Nhật Bản cho rằng sức công phá của vụ thử hạt nhân trên là 70 kiloton. Trong khi đó, sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 là 16 kiloton và xuống Nagasaki 3 ngày sau đó là 21 kiloton.

Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis, trong đó 2 bên nhất trí tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng. Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định vụ thử hạt nhân này của Triều Tiên có sức công phá lớn hơn các vụ thử trước, cho thấy mối đe dọa mới, nghiêm trọng hơn đối với an ninh của Nhật Bản.


Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản, đồng thời bày tỏ ý định hợp tác trong việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore. Bên cạnh đó, hai bộ trưởng quốc phòng còn nhất trí hợp tác 3 bên với Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera đã gặp Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Hai bên đã khẳng định quan hệ hợp tác Nhật-Mỹ trong việc xử lý các vấn đề an ninh.

Cũng trong ngày 6/9, các quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã họp trực tuyến thảo luận về các biện pháp đối phó với Triều Tiên.

TTXVN/Báo Tin Tức
Thử tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng muốn bắn tín hiệu gì tới các nước láng giềng?
Thử tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng muốn bắn tín hiệu gì tới các nước láng giềng?

Bình luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, một nhà khoa học chính trị tại Trường Kinh tế Griffith (Australia) đã lý giải với đài Sputnik của Nga vì sao vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản này mang tính chất khác biệt và thông điệp nước này thực sự muốn nhắn gửi tới các láng giềng là gì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN