Theo TTK LHQ, phóng xạ đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm nghìn người, khoảng 350.000 người sống tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã phải rời bỏ nhà cửa. TTK Guterres nêu rõ: “Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ, rút ra bài học và hướng về tương lai. Kể từ năm 1986, những nỗ lực chung của LHQ và thế giới đã giúp những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa dần phục hồi”.
Thông điệp cũng đề cao sự đoàn kết vì lợi ích chung: “Thảm họa không có biên giới. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn và xây dựng sự phục hồi mạnh mẽ từ đống đổ nát, tương tự như việc ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19”.
TTK LHQ cho biết các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đã ghi nhận một số thành công nhất định, trong đó số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa đã tăng từ 2.000 trong năm 2002 lên 37.000 như hiện nay. Hàng nghìn người dân địa phương, lãnh đạo cộng đồng và bác sĩ đã được đào tạo về các nguy cơ sức khỏe cũng như thúc đẩy lối sống lành mạnh.
Theo kế hoạch, trong ngày 26/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tới thăm Vùng Cấm Chernobyl và có bài phát biểu nhân kỷ niệm 35 năm ngày xảy ra thảm họa. Đây là vùng có bán kính 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân đã được sơ tán sau vụ nổ và được cho là không an toàn đối với cuộc sống của con người trong hàng nghìn năm.
Trước đó, hàng chục người đã tụ tập gần "thị trấn ma" Pripyat, thắp nến tưởng nhớ những người đã khuất trong thảm họa này. Vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong quá trình thử nghiệm an toàn ngày 26/4/1986 đã trực tiếp cướp đi sinh mạng của khoảng 30 người. Tuy nhiên, có tới hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng sau đó do nhiễm độc phóng xạ trên khắp Ukraine cũng như nước láng giềng Belarus ở phía Bắc và Nga ở phía Đông.
Hiện con số nạn nhân chính thức trong thảm họa này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một báo cáo của LHQ trong năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người đã thiệt mạng do nhiễm độc phóng xạ ở 3 nước Ukraine, Nga và Belarus. Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace 1 năm sau đó cho thấy khoảng 100.000 người đã mất đi mạng sống do thảm họa này. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xảy ra thảm họa và Vùng Cấm vẫn được coi là "vùng đất chết".
Nhà chức trách Ukraine cho rằng Vùng Cấm không thích hợp để con người sinh sống trong vòng 24.000 năm sau thảm họa, tuy nhiên, khu vực này đang thu hút rất đông du khách trong những năm gần đây và chính quyền Kiev mong muốn Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận vùng đất này là di sản văn hóa.
Vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách thủ đô Kiev khoảng 110km, vào ngày 26/4/1986 được coi là thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân, với lượng phóng xạ phát ra lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động, nhưng phải tới năm 2064, toàn bộ 4 lò phản ứng hạt nhân mới được dỡ bỏ hoàn toàn.