Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan ngày 14/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Dự kiến, nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này sẽ tham dự các cuộc đàm phán tại khu nghỉ mát Crans-Montana cùng các nhà lãnh đạo hai cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp, vốn đang chịu áp lực mạnh mẽ của quốc tế phải đạt được một thỏa thuận.
Hãng tin Pháp AFP dẫn các nguồn gần gũi cho biết TTK Guterres sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo Cyprus có những quyết định "quan trọng và dũng cảm" tại sự kiện được đánh giá là cơ hội tốt nhất mang lại một nền hòa bình lâu dài cho đảo Cyprus. Giới chức châu Âu hy vọng TTK LHQ sẽ đóng vai trò tích cực, là nhân tố xúc tác, khuyến khích các bên giải quyết được một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất cuối cùng tại châu Âu.
Tham gia đàm phán lần này tại Thụy Sĩ có Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades, đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci, phái đoàn các nước đồng bảo trợ cho tiến trình này gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Trước đó, sáng 30/6, Đặc phái viên LHQ về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide, đã gặp lãnh đạo hai cộng đồng người Cyprus để hối thúc thiện chí của hai bên trên bàn đàm phán.
Đảo Cyprus, thành viên Liên minh châu Âu (EU), bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus". Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận CH Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý. LHQ đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai cộng đồng để tìm ra giải pháp thống nhất hòn đảo phía Đông Địa Trung Hải này, song chưa đạt được kết quả.