Thế giới ngỡ ngàng khi nghe Tổng thống Mỹ Barắc Barack Obama thông báo trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden đã bị tiêu diệt. Niềm hy vọng dâng cao về khả năng cuộc chiến chống khủng bố dẫn đầu là Mỹ sẽ đạt được bước đột phá bắt đầu từ thời điểm này. Thực tế cho thấy việc trùm khủng bố số một thế giới bị tiêu diệt là một thành công lớn trong mục tiêu chống khủng bố, nhưng chưa thể tạo ra những bước chuyển biến quan trọng tiếp theo một khi Mỹ không điều chỉnh một số chính sách cho phù hợp với tình hình.
Trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden tại Apganixtan năm 1989. AFP/TTXVN |
Việc Mỹ thu được "chiến lợi phẩm" Bin Laden sau hàng chục năm truy tìm sẽ có những ảnh hưởng trước tiên đến chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ. Sau khi nhận những lời tán dương, chia sẻ, Washington bắt đầu cân nhắc hoạch định lại chính sách để định hình cuộc chiến chống khủng bố trong tương lai. Quyết định không công bố ảnh thi thể trùm khủng bố bin Laden được coi là bước đi thận trọng đầu tiên của Chính quyền Obama trong mục tiêu bảo vệ an ninh nước Mỹ. Có cơ sở khi Nhà Trắng nhận định rằng việc công bố những hình ảnh thi thể đẫm máu của bin Lađen sẽ kích động bạo lực, gây căng thẳng trong thế giới Hồi giáo, từ đó làm gia tăng nguy cơ đối với an ninh nước Mỹ. Nguy cơ đó đang gia tăng khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan tuyên bố sẽ trả thù cho bin Lađen.
Trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, ông Obama được đánh giá là đã đưa ra những quyết định đúng: tiếp tục cuộc truy lùng bin Laden ở Pakixtan, chấp thuận chiến dịch đột kích khu nhà nơi bin Lađen đang ẩn náu và không dùng máy bay không người lái hay tên lửa để oanh kích (tránh gây thương vong cho dân thường). Tuy nhiên, sau chiến dịch người dân Mỹ lại cho rằng ông Obama đã quyết định sai khi không thay đổi mức độ báo động mối đe dọa tại Mỹ. Với việc mạng lưới khủng bố al-Qaeda đe dọa có các hành động trả thù, người dân Mỹ muốn chính quyền gia tăng các biện pháp bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu gia tăng mức báo động thì điều này có vẻ không hợp lý trước lập luận cho rằng nguy cơ khủng bố đã giảm đi rất nhiều khi al-Qaeda rơi vào tình trạng "rắn mất đầu".
Cái chết của bin Laden mở ra cơ hội cho nước Mỹ, sau nhiều năm coi cuộc chiến chống khỉng bố là ưu tiên hàng đầu, thay đổi tư duy và điều chỉnh chính sách đối với chủ nghĩa khủng bố. Giờ đây, Tổng thống Obama có thể có thái độ mềm dẻo hơn khi thảo luận với các nước đồng minh về cuộc chiến này. Chính sách đối ngoại của Mỹ có thể được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, nhưng trước mắt sẽ phải tập trung vào hai đối tượng chính.
Thứ nhất là sự thay đổi trong quan hệ với Pakixtan vì nghi ngờ nước này bao che cho trùm khủng bố bin Lađen suốt nhiều năm qua. Sau chiến dịch tiêu diệt bin Lađen, mối quan hệ này phần nào bị sứt mẻ do Mỹ không thông báo chiến dịch tiêu diệt bin Lađen với giới chức Pakixtan vì lo ngại kế hoạch bị lộ. Theo Pakixtan, sự hợp tác cần thiết trong bất kỳ cuộc chiến chống khủng bố nào đã bị Mỹ bỏ qua.
Về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần đến vai trò của Pakixtan trong cuộc chiến hiện nay ở Ápganixtan nên chắc chắn quan hệ Oasinhtơn- Islamabad sẽ không đến mức quá căng thẳng. Tuy nhiên, Chính quyền Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho Pakixtan, vốn đã lên đến 20 tỷ USD kể từ các vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001. Khoản viện trợ có thể giảm, chứ không thể cắt hoàn toàn vì về lâu dài, việc viện trợ cho Chính quyền Ixlamabát cũng nằm trong lợi ích an ninh của nước Mỹ.
Thứ hai là trong quan hệ với Ápganixtan, Mỹ có thể tạo dựng một hình ảnh một nước lớn có thành tích về chống khủng bố. Chính quyền Obama có thể nhanh chóng rút khỏi cuộc chiến tại chiến trường Nam Á này và tin tưởng vào một nền chính trị, an ninh mới ở Ápganixtan. Tuy nhiên, viễn cảnh đó vẫn còn xa vời khi tại thời điểm này, Ápganixtan là nơi có nguy cơ bị khủng bố cao nhất do giáp biên với Pakixtan và có địa hình được coi là lý tưởng cho lực lượng khủng bố hoạt động. Nguy cơ đó đã hiện hữu chỉ cách đây vài ngày, khi cuộc báo thù đầu tiên của mạng lưới al-Qaeda nổ ra tại biên giới Ápganixtan- Pakixtan, với việc 25 tay súng đã bị tiêu diệt.
Chiến dịch tiêu diệt bin Laden đã mang đến cho ông Obama ưu thế khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 đang tới gần. Tuy nhiên, xét về tổng thể, cái chết của trùm khủng bố số một thế giới chưa thể tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và thế giới. Điều này được thể hiện rõ là cho tới nay, các chính sách của Mỹ và các nước đồng minh khác trong vấn đề đối ngoại, an ninh chưa có gì thay đổi. Nếu có, sự thay đổi đó cũng sẽ theo hướng tăng cường chặt chẽ hơn, vì phương thức hoạt động của mạng lưới al-Qaeda sẽ thay đổi theo những cách thức mới và biến hóa khôn lường. Rõ ràng từ cái chết của bin Lađen đến khái niệm "đột phá" trong cuộc chiến chống khủng bố còn cả một quãng đường dài và rất cần những sự điều chỉnh hợp lý.
Đỗ Vân