Đô đốc Harris trong chuyến thăm căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor-Hickam, Hawaii, Mỹ. Ảnh: US Defense |
Trong nghị trình ở Nhật Bản, Kyodo cho hay ông Harris cùng với phía Nhật Bản sẽ bàn thảo các biện pháp ứng phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh đó, dự kiến hai bên sẽ trao đổi ý kiến về việc chính thức vận dụng các điều khoản liên quan tới việc đảm bảo an ninh, thể hiện rõ mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa Mỹ và Nhật Bản.
Chuyến thăm của ông Harris diễn ra trong bối cảnh ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc tự vạch ra ở Biển Đông và tới nay, nước này vẫn kiên quyết không chấp nhận, không thừa nhận phán quyết này.
Trong khi đó, đề cương sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2016 cho rằng cần phải cảnh giác trước các hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông, cảnh báo việc Bắc Kinh quân sự hóa các vùng biển tranh chấp sẽ biến các tuyên bố chủ quyền của nước này thành sự đã rồi.
Trước đó, tờ Thời báo New York (Mỹ) từng đưa tin ông Haris có lần tuyên bố Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến nổ ra vào đêm nay” và trong vấn đề Trung Quốc, Mỹ phải chuẩn bị tốt để đối phó với mọi hậu quả ở vị thế có lợi, bao gồm chuyện xảy ra ở Scarborough (Hoàng Nham/Panatag), toàn bộ Biển Đông hay một cuộc tấn công mạng nào đó.
Vào ngày 25/2/2016, phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc, Đô đốc Harris nhấn mạnh bằng việc xây dựng các căn cứ không quân và gia cố các boongke trên những đảo nhỏ ở Biển Đông, mà một vài đảo trong số đó được bồi đắp, cũng như bằng việc bố trí các hệ thống tên lửa và rađa hiện đại, Trung Quốc đang chứng tỏ nước này rắp tâm có được vị thế bá chủ quân sự trong khu vực.
Ông nói: “Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả các căn cứ mà họ bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thay đổi môi trường hoạt động tại khu vực này… Trừ phi chiến tranh với Mỹ, Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông”.