IS tuyên bố sẽ giải phóng các tù binh phiến quân. Còn xuất hiện cả một mạng lưới buôn người dùng tiền hối lộ để đưa những kẻ này ra ngoài.
Đài BBC (Anh) cho biết khi IS bị đánh bật khỏi khu vực chúng chiếm đóng ở Baghuz (Syria) vào tháng 3/2019, hàng nghìn thành viên tổ chức này bị giam tại các trại do người Kurd lập nên. Nhiều nhà phân tích cho rằng có nguy cơ điều này sẽ chuyển thành vấn đề an ninh mới đối với thế giới.
Trong tháng 7, có cảnh báo rằng những phiến quân IS trốn thoát có thể tái tập hợp tại nhiều nơi trên thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Anh Tobias Elwood nhận định: “Có hàng chục nghìn phiến quân, thân nhân những kẻ cực đoan và người ủng hộ IS vẫn duy trì tại Iraq và Syria. Chúng ta phải đưa ra quyết định liệu cam kết đảm bảo đánh bại hoàn toàn Í, nếu không tư tưởng của chúng vẫn tồn tại và tái lập nhóm”.
Trong khoảng thời gian từ 2014-2019, có gần 40.000 chiến binh thánh chiến đã đổ về Syria để gia nhập IS. Những kẻ được coi là khủng bố nước ngoài còn sống sót, hiện ở các nhà tù hoặc tẩu thoát, nằm trong khoảng từ 10.000-20.000 tên. Nhiều trong số này đã bị tuyên án tại Iraq nhưng hầu hết vẫn chen chúc tại các trại giam mà lãnh đạo IS cam kết sẽ “giải phóng”.
Vào đầu năm nay, Liên hợp quốc (LHQ) nghi ngờ khoảng 8.000 trẻ em là con cái của phiến quân nước ngoài đang sinh sống trong nhà tù do người Kurd vận hành. Trong đó, 700 em có gốc gác châu Âu. Nhưng những quốc gia là quê hương của cha mẹ chúng lại chần chừ không muốn nhận các em về.
Đài BBC (Anh) nhận định vấn đề tù nhân IS liên quan đến 3 yếu tố: pháp luật, nhân quyền và an ninh. Về pháp luật, không thể bào chữa cho việc để hàng nghìn người, đặc biệt là trẻ em, mắc kẹt trong những nơi giam giữ chật chội mà chưa có ngày được xét xử trước mắt. Nhiều trong số này cho biết mong muốn được hồi hương, thậm chí phải chịu án.
Chính phủ các nước phương Tây lại lo ngại tiếp nhận những người này bởi khả năng không có đủ bằng chứng buộc tội và phải thả những phiến quân này về cộng đồng. Trong trường hợp giam giữ những kẻ này trong nhà tù ở quê nhà, chúng có thể mang theo cả tư tưởng cực đoan vào đó.
Về vấn đề nhân quyền, đã có nhiều chỉ trích liên quan tới tình trạng tồi tệ ở những nhà tù đông đúc.
Về vấn đề an ninh, chính phủ các nước phương Tây phải đứng giữa lựa chọn là đưa công dân là thành viên IS hồi hương hoặc để họ lại Trung Đông.
Bà Anne Speckhard tại Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực cực đoan Quốc tế (Mỹ) đưa ra một giải pháp là đưa những người phụ thuộc của phiến quân IS (vợ, con) hồi hương trong khi những kẻ này vẫn phải chờ xét xử tại Trung Đông.
Người Kurd tại Syria, lực lượng đang quản lý những địa điểm giam giữ tù nhân IS cũng có mối bận tâm riêng. Việc Tổng thống Trump rút quân một phần khỏi Syria khiến lực lượng người Kurd gặp nhiều rủi ro trước quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ coi người Kurd là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã coi những lực lượng Mỹ ủng hộ tại Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố.
Quan điểm của người Kurd về tù nhân IS từ châu Âu khá đơn giản: “Họ đến từ nước của các ông. Chúng tôi không thể trông giữ họ lâu hơn. Các ông cần đưa họ trở về”.