Tự truyện về thuốc lá ở Australia

“Tôi là Bryan, chết năm 34 tuổi. 10 tuần trước (khi chết)”. Đó là những dòng chữ hiếm hoi trên một vỏ bao thuốc lá tại Australia để chú thích cho hai bức ảnh: một Bryan sắp chết vì ung thư phổi, tiều tụy, hốc hác, đau đớn; và một Bryan mới đây còn tươi vui nụ cười với cặp mắt màu xanh hy vọng... Tại Australia, không thượng đế nào muốn tìm hiểu tự truyện của Bryan khi cầm điếu thuốc lá trên tay, nhưng đa phần đều không thể dửng dưng, chỉ cố tình phớt lờ để che đậy sự sợ hãi.

 

Ý thức hay lý trí


Chỉ đến khi sắp từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư phổi do tác hại của thuốc lá mang lại, Bryan mới chợt có ý định làm một điều có ý nghĩa. Anh bảo mẹ hãy để ít nhất một người biết được thuốc lá đã tàn phá tuổi thanh xuân và cả cuộc đời anh nhanh và tàn khốc như thế nào. Đau đớn, người mẹ đã liên hệ với giới báo chí và nhà chức trách. Không lâu sau, hình ảnh Bryan với hơi thở thoi thóp, gày giơ xương, cặp mắt lờ đờ, bên cạnh một Bryan vẫn đầy phong độ của 10 tuần trước đã được gửi tới công chúng. Mẹ Bryan biết ở thế giới bên kia con mình sẽ rất hài lòng khi có nhiều người được cảnh báo như vậy. Nhưng liệu những người sử dụng thuốc lá có thực sự hiểu thông điệp từ Bryan?


Australia đầu tư rất nhiều cho các khu luyện tập công cộng để bảo vệ sức khỏe người dân.


Nhìn lại, những gì thế giới đang chứng kiến thật bất công. Bom chùm, một loại vũ khí sát thương hạng nặng, cũng gây thương vong khoảng 17.000 người mỗi năm, trong khi thuốc lá cứ nhè nhẹ, lâng lâng cũng cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, có thể là 10 triệu người vào năm 2025. Phần lớn trong số những người thiệt mạng vì thuốc lá là ở các nước có thu nhập bậc trung trở xuống. Hiển nhiên, Australia không nằm trong mức báo động đó, nhưng Australia lại đi đầu trong chiến dịch nói Không với thuốc lá.


Chưa đầy 17% người dân Australia hút thuốc lá, trong khi ở Indonesia và Trung Quốc, con số này vào khoảng 60 - 70%. Australia vẫn lo ngại bởi họ có thể chi rất nhiều cho bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đầu tư các khuôn viên luyện tập thể thao ở nơi công cộng... nhưng không thể phí phạm tiền của cho những người “điếc không sợ súng”. Một nửa số thổ dân ở Australia hút thuốc từ khi 14 tuổi, tỷ lệ này ở người Ôxtrâylia không phải thổ dân là 1/5. Và rồi tuổi thọ của thổ dân kém tuổi thọ của những công dân khác ở Australia tới 10 tuổi. Những thổ dân dù còn đang độ tuổi “bẻ gãy sừng châu” thì cũng đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá như tim mạch, ung thư phổi...


Trong khi đó, cộng đồng người Việt tại Australia “đóng góp” không nhỏ cho vấn nạn thuốc lá khi dẫn đầu thói quen hút thuốc lá tại xứ sở Chuột túi. Hút thuốc từ năm lên 10, Joseph Nguyễn phớt lờ lời khuyên của bác sỹ và không có ý định bỏ thuốc. Bố mẹ ông từng bán thuốc lá ở Việt Nam và đó là lý do để người đàn ông 60 tuổi cặp kè với thuốc lá từ bé. Năm 2008, Joseph Nguyễn bị nhồi máu cơ tim, bác sỹ khuyên nên bỏ thuốc, bỏ rượu, không ăn thịt lợn, nhưng rốt cục thì ông chẳng bỏ gì cả. Ông hy vọng mình sẽ giống bà ngoại, hút thuốc lá thoải mái nhưng thọ tới 95 tuổi.


Một nghiên cứu cho thấy 54% nam giới trong cộng đồng người Việt Nam tại Australia hút thuốc lá, tỷ lệ cao nhất tính theo nhóm cộng đồng tại Australia. Không nhiều người có ý định và quyết tâm bỏ thuốc lá, thành ra hút thuốc lá trở thành chuyện thường ngày ở huyện trong cộng đồng người Việt tại Australia. Một nghiên cứu cho thấy ý định bỏ thuốc sẽ được tiếp thêm sức mạnh trong môi trường không khói thuốc. Chắc vậy.


Luật pháp của tình người


Báo chí Australia đã từng đặt câu hỏi tại sao không để những người không thể chia tay với thuốc lá tự quyết định số phận của họ. Nói toẹt ra là cứ để họ chết. Tại sao phải chi hàng triệu, hàng tỷ đôla cho trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc y tế, để rồi những “con nghiện” lại bỏ tiền để mua thuốc lá, rước bệnh vào người. Một vòng luẩn quẩn, loanh quanh của ý thức. Có người còn bảo cứ kệ họ, để họ sang thế giới bên kia sớm hơn người bình thường những 10 năm, thế chẳng phải gánh nặng xã hội cũng giảm đi 10 năm hay sao?. Nhưng...


Trước hết là vì sự quan tâm giữa con người với con người mà không xã hội nào đành lòng làm vậy. Dù tỷ lệ người hút thuốc lá không cao, song Australia đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành Đạo luật bao bì trơn đối với sản phẩm thuốc lá. Không quảng cáo thương hiệu, chỉ có hình cảnh báo tác hại của thuốc lá. Mà tác hại của thuốc lá thì không ít, vì vậy hình cảnh báo cũng rất đa dạng. Nhiều người đã phải dùng băng dính để che đi những hình ảnh “ấn tượng” trên bao bì thuốc lá. Họ đã biết sợ.


Tăng thuế đánh vào thuốc lá, kêu gọi giảm đầu tư vào thuốc lá, khuyến khích bỏ thuốc lá để có thể mua bảo hiểm với giá ưu đãi, mở rộng khu vực cấm hút thuốc lá, cả ở nơi công cộng, và kiểm soát chặt chẽ... là những biện pháp mà chính phủ Australia đang tiến hành để bảo vệ sức khỏe người dân trước khói thuốc. Do thuốc lá không chỉ gây tác hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh, Australia đang ngày càng tăng cường các biện pháp để lấy lại công bằng cho người hút thuốc bị động. Những nỗ lực của Canberra đã buộc các công ty thuốc lá phải đi tìm thị trường mới.


Đáng ngại là các công ty thuốc lá đã tìm đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các công ty này nhận định rằng đây là một thị trường còn nhiều sơ hở về mặt luật pháp đối với mặt hàng thuốc lá, hơn nữa, lượng tiêu thụ rất nhiều. Do đó, việc sớm đề ra các quy định chặt chẽ về thuốc lá, cộng thêm ý chí, quyết tâm bỏ thuốc của người sử dụng, sẽ giúp cuộc chiến chống lại ngành công nghiệp thuốc lá gặt hái thành công. Một số nghiên cứu tại Australia cho thấy các chiến dịch tuyên truyền nói Không với thuốc lá cũng rất có tác dụng.



Bài và ảnh: Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Australia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN