Tuần bạo loạn rung chuyển nước Pháp

Làn sóng biểu tình dẫn tới bạo loạn đã lan rộng khắp nước Pháp và một vài nước châu Âu sau vụ một cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gần thủ đô Paris hôm 27/6. Vụ việc đã buộc chính phủ Pháp phải huy động hàng chục nghìn cảnh sát và ban hành lệnh giới nghiêm để đối phó với tình trạng hỗn loạn.

Chú thích ảnh
Ô tô bị đốt cháy trong cuộc biểu tình tại Paris, Pháp, ngày 29/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát súng châm ngòi bạo động

Bạo loạn đã làm rung chuyển các vùng ngoại ô và thành phố của Pháp trong nhiều ngày sau khi một cảnh sát bắn chết Nahel Merzouk, thiếu niên 17 tuổi gốc Algeria khi yêu cầu dừng xe ở ngoại ô Nanterre của Paris.

Một công tố viên cho biết Merzouk đã lái xe trong làn đường dành cho xe buýt. Khi các cảnh sát tìm cách chặn Merzouk, cậu ta đã vượt đèn đỏ để bỏ chạy. Một cảnh sát đã nổ súng khi tiếp cận chiếc xe. Công tố viên cho biết Merzouk bị giết bởi một phát đạn duy nhất xuyên qua cánh tay trái và ngực. Khám xét chiếc xe không tìm thấy bất kỳ vật liệu nguy hiểm hay ma túy bất hợp pháp nào.

Tối 29/6, văn phòng công tố viên Nanterre thông báo cảnh sát bắn Merzouk đã bị điều tra chính thức về tội cố ý giết người và đang bị giam giữ. Pascal Prache, công tố viên hàng đầu ở Nanterre, cho biết viên cảnh sát đã không đáp ứng “các điều kiện pháp lý để sử dụng vũ khí”. Bộ trưởng Nội vụ cho biết cảnh sát này sẽ bị đình chỉ công tác.

Vụ việc đã thổi bùng căng thẳng âm ỉ lâu nay giữa lực lượng cảnh sát và thanh niên ở những khu dân cư khó khăn. Đặc biệt sự việc đã tái hiện lại những ký ức năm 2005, khi cái chết của hai thiếu niên chạy trốn cảnh sát đã gây ra nhiều tuần biểu tình bạo lực, với hàng trăm thanh niên từ các vùng ngoại ô nghèo của Paris tham gia bạo loạn, đập phá các cửa hàng, phóng hỏa ô tô và các tòa nhà.

Gần 20 năm sau, chỉ vài giờ sau khi hình ảnh về vụ nổ súng được đăng tải, hàng chục nghìn thanh niên chủ yếu là nam giới, nhiều người trong số họ là trẻ vị thành niên, đã tham gia các cuộc bạo loạn dữ dội ở các vùng ngoại ô nước Pháp, từ Nantes ở phía Bắc đến Marseille ở phía Nam.

Kể từ khi bạo loạn nổ ra, nhiều tòa nhà và phương tiện đã bị đốt cháy, trong khi hàng loạt cửa hàng bị cướp phá. Tình hình cũng khiến Tổng thống Emmanuel Macron rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về khả năng lãnh đạo kể từ các cuộc biểu tình Áo khoác vàng hồi năm 2018.

Pháp mạnh tay trấn áp bạo loạn

Ngày 30/6, Pháp đã phải tiến hành cuộc họp an ninh khẩn cấp để đánh giá toàn bộ tình hình và thảo luận các biện pháp ứng phó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rút ngắn lịch trình dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ sớm hơn kế hoạch để trở về nước chủ trì cuộc họp này. Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Pháp khuyến cáo các gia đình kiểm soát con em mình, không để các em tham gia vào các cuộc bạo loạn trên đường phố.

Tổng thống Macron cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm TikTok, Snapchat và những nền tảng khác, đã góp phần thúc đẩy các cuộc bạo loạn, đặc biệt là sau khi thông tin cá nhân của cảnh sát bắn Merzouk bị tiết lộ và được lan truyền. Ông cho biết chính phủ sẽ làm việc với các trang mạng xã hội để gỡ bỏ những "nội dung nhạy cảm nhất" và xác định những người dùng kêu gọi gây rối hoặc làm nghiêm trọng thêm tình trạng bạo loạn. Cũng theo Tổng thống Macron, các trò chơi điện tử bạo lực đã góp phần kích động các vụ bạo loạn hiện nay.

Theo tiết lộ của Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, tính đến ngày 3/7, hơn 3.300 người đã bị bắt giữ. Phần lớn trong số đó là trẻ vị thành niên, với độ tuổi trung bình là 17.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Pháp bắt giữ người biểu tình bạo loạn tại Paris, tối 2/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm trấn áp những kẻ bạo loạn và duy trì trật tự đường phố, Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát và một số xe bọc thép. Các thành viên của Nhóm can thiệp hiến binh quốc gia (GIGN), Lữ đoàn Điều tra (BRI) và đơn vị chiến thuật Răn đe Can thiệp Hỗ trợ Điều tra (RAID) đã được cử đến Nanterre, nơi các cuộc bạo loạn bắt đầu. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố ở một số thành phố. Các dịch vụ vận tải công cộng ở Paris và thành phố Marseille cũng được lệnh ngừng hoạt động vào các buổi tối cho đến khi có thông báo mới.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đánh giá hành động bạo loạn đã đi quá giới hạn, không thể dung thứ và khẳng định chính phủ sẽ không cho phép bất kỳ hình thức bạo lực nào nhắm vào các cơ sở công quyền và nhà riêng của các viên chức nhà nước. Bà Elisabeth Borne khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, đồng thời nhấn mạnh sẽ sớm đưa ra xét xử một số trường hợp mang tính chất án điểm để răn đe.

Thiệt hại vượt xa “kỷ lục” năm 2005

Tình hình bạo loạn ở Pháp sau 1 tuần bùng nổ có dấu hiệu dịu xuống sau nỗ lực duy trì an ninh của giới chức, nhưng thiệt hại về kinh tế từ vụ việc này đang gia tăng. Thậm chí thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng còn được đánh giá là vượt qua kỷ lục 3 tuần bạo loạn năm 2005.

Theo thống kê của Bộ Nội Vụ Pháp ngày 2/7, hơn 5.000 chiếc xe và 10.000 thùng rác bị đốt cháy, hơn 1.000 tòa nhà bị phóng hỏa, đập phá hoặc cướp phá, 250 vụ tấn công vào đồn cảnh sát hoặc hiến binh, với hơn 700 cảnh sát bị thương.

Về thiệt hại kinh tế, ông Geoffroy Roux de Bézieux – Chủ tịch Phong trào Doanh nghiệp Pháp (Medef) trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Parisien – cho rằng còn quá sớm để đưa ra một con số định lượng chính xác về thiệt hại song tính đến nay, con số này sơ bộ đã lên tới hơn một tỷ euro, chưa tính thiệt hại đối với ngành du lịch. Các vụ bạo loạn đã làm hỏng hình ảnh của nước Pháp. Dữ liệu ban đầu cho thấy có hơn 200 cửa hàng bán lẻ đã bị cướp bóc, hơn 300 chi nhánh ngân hàng bị phá hủy và 250 ki-ốt bán hàng bên đường bị người biểu tình quá khích phá hoại.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hậu quả chính trị từ các cuộc bạo loạn ở Pháp
Hậu quả chính trị từ các cuộc bạo loạn ở Pháp

Tình trạng khó khăn hiện tại của Pháp, được nhấn mạnh bởi cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra gần đây và cuộc đối đầu chính trị gay gắt diễn ra sau đó, có thể dẫn đến những hậu quả đối với các cuộc bầu cử quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN