Bất chấp nhiệt độ lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn người từ khắp các bang của Mỹ hôm qua đã đổ về thủ đô Washington DC tham gia tuần hành ủng hộ kiểm soát chặt chẽ hơn việc kinh doanh và sở hữu súng đạn - thứ hàng hóa mỗi năm làm thiệt mạng hàng nghìn người. Mục đích của cuộc tuần hành là gây áp lực buộc Quốc hội Mỹ phải sớm thông qua dự luật siết chặt kiểm soát việc kinh doanh và sở hữu súng đạn, đặc biệt là các loại súng có khả năng tấn công.
Cảnh sát điều tra tại trường Lone Star thuộc thành phố Houston, bang Texas, Mỹ sau vụ bắn súng ngày 22/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Những người biểu tình mang theo nhiều áp phích trắng in ảnh và tên của các nạn nhân bị thiệt mạng do súng đạn, đã tuần hành dọc qua Trung tâm mua sắm gần Tượng đài Washington Monument, qua trụ sở Quốc hội và Nhà Trắng. Trong số những người tham gia và diễn thuyết trong cuộc tuần hành có Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan cùng các nhà lập pháp và giới văn nghệ sỹ nổi tiếng.
Hơn 100 cư dân của thành phố Newton, bang Connecticut, nơi xảy ra vụ thảm sát cách đây 6 tuần khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 em học sinh từ 6-8 tuổi, cũng có mặt trong đoàn tuần hành. Tham gia cuộc tuần hành kéo dài 90 phút này còn có Thị trưởng thủ đô Washington Vincent Gray cùng nhiều nhà chính trị của hai bang lân cận là Maryland và Virginia.
Cuộc tuần hành được tổ chức giữa lúc nước Mỹ vẫn còn những tranh cãi gay gắt xung quanh các biện pháp hành chính của chính phủ siết chặt việc kinh doanh và sở hữu súng đạn.
Theo thống kê, hiện có khoảng 270 triệu khẩu súng đang được lưu hành tại Mỹ và riêng trong năm 2011, đã có hơn 32.000 người thiệt mạng liên quan đến súng đạn.
Các vụ bạo lực súng đạn đã bùng nổ tại Mỹ trong vòng 3 thập kỷ gần đây, bao gồm 62 vụ bắn giết bừa bãi kể từ năm 1982. Phần lớn vũ khí được sử dụng trong các vụ xả súng bừa bãi này là súng ngắn bán tự động và súng lục mà các kẻ sát nhân được sở hữu hợp pháp.
Việc sở hữu súng được pháp luật cho phép này cũng là nguyên nhân khiến người Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân trong các vụ bắn giết cao hơn 20 lần so với người dân ở các nước phát triển khác.
TTXVN/Tin tức