Theo phóng viên TTXVN tại Australia, tại thành phố Melbourne, bang Victoria, khoảng 10.000 người đã tập trung về công viên Vườn Kho báu. Trong khi đó, hàng nghìn người trên nhiều thành phố khác ở Australia cũng xuống đường, thắp nến để tưởng niệm em bé người Syria bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong hành trình vượt biển sang châu Âu.
Công viên Vườn Kho báu ở Melbourne chật kín người. Ảnh: Herald Sun |
Trước đó, Thủ tướng Abbott cho biết đang xem xét tăng tiếp nhận số người nhập cư Syria vào Australia trong năm nay, tức sẽ vượt con số 13.750 người di cư Syria và Iraq được định cư mà Chính phủ Australia đã đặt ra cho năm tài chính hiện nay, bắt đầu từ tháng 7/2015. Công đảng đối lập cho rằng chính phủ nên tăng thêm 10.000 người nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu. Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh kêu gọi Australia mở cửa cho khoảng 20.000 người di cư Syria. Ngoài ra, chính phủ Australia cũng cho biết sẽ xem xét tăng khoản tiền viện trợ cho Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Những ngọn nến tưởng niệm em bé người Syria bị chết đuối dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Herald Sun |
Cùng ngày, New Zealand cũng thông báo sẽ nhận thêm 600 người di cư từ Syria do cuộc khủng hoảng nhân đạo về di cư ngày càng trở nên tồi tệ. Thủ tướng John Key (Giôn Ki) cho biết quốc đảo Nam Thái Bình Dương này sẽ nhận số người di cư từ Syria trong hai năm rưỡi tới. Số trường hợp di cư được tiếp nhận khẩn cấp vào New Zealand gần bằng mục tiêu đặt ra hàng năm của nước này là tiếp nhận 750 người di cư.
* Libya cứu sống hơn 120 người di cưTrong một diễn biến khác, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya ngày 7/9 cứu sống 123 người di cư ở ngoài khơi bờ biển Garrabolli, cách thủ đô Tripoli 60 km về phía Đông. Một sĩ quan của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, Ashraf Al-Badri, cho biết những người di cư nói trên đến từ nhiều quốc gia châu Phi khác nhau. Họ đã được đưa đến một trung tâm nhập cư sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết.
Libya đã trở thành một điểm trung chuyển cho nhiều người tị nạn muốn vượt biên sang châu Âu. Theo Tổ chức Di trú quốc tế, hơn 350.000 người di cư đã đến châu Âu bằng đường biển mỗi năm và 2.600 người đã thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới châu Âu, nhiều người trong số này đến từ Libya.
Người di cư xô xát với lực lượng an ninh Macedonia
Ngày 7/9, xô xát dữ dội đã xảy ra giữa cảnh sát Macedonia với người di
cư gốc Trung Đông và Bắc Phi ở biên giới giáp Hy Lạp, sau khi cảnh sát
Macedonia buộc phải can thiệp khi dòng người xin tị nạn ở châu Âu từ
phía Hy Lạp ùa vào lãnh thổ nước này quá đông và hỗn loạn.
Người di cư xô xát với cảnh sát tại thị trấn Gevgelija ở biên giới Macedonia - Hy Lạp ngày 7/9. Ảnh: AFP-TTXVN |
Báo
chí địa phương cho hay, tình hình trở nên hỗn loạn khi cùng lúc trong
ngày 7/9, hơn 2.000 người xin tị nạn từ thị trấn Idomeni của Hy Lạp đã
dồn về phía cửa khẩu biên giới với Macedonia trong khi cứ nửa tiếng một
lần nhà chức trách mới cho phép một nhóm nhỏ người di cư đi qua biên
giới. Trong khi đó, còn ít nhất 8.000 người khác chờ đến lượt ở bên phía
Hy Lạp. Sau khi trật tự được lập lại mà không có thương vong gì xảy ra,
chính quyền Skopje đã cho phép hơn 1.000 người nhập cảnh.
Trong
vòng 24 giờ qua, hơn 5.000 người di cư đã tràn từ Hy Lạp vào Macedonia
trên lộ trình mà báo chí gọi là "con đường Balkan". Kể từ ngày 19/6,
chính quyền Macedonia đã cho phép 64.522 người được phép quá cảnh qua
vùng lãnh thổ này. Sau khi tới Macedonia, những người di cư, hầu hết là
người Syria, Afghanistan, Iraq và Pakistan, sẽ di chuyển bằng đường bộ
tới Serbia và Hungary, với hy vọng từ đó họ sẽ tiếp tục tới Đức, Áo,
Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu khác để xin tị nạn.
Người
di cư chờ đợi tại thị trấn biên giới Idomeni, miền bắc Hy Lạp để được
làm thủ tục nhập cảnh vào Macedonia ngày 7/9. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trước
tình hình này, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hy Lạp kêu gọi tăng cường lực
lượng an ninh với các biện pháp mạnh tay hơn tại khu vực biên giới nhằm
ngăn chặn dòng người di cư đang ngày một đông. Giới chức địa phương cho
biết đảo Lesbos "gần như nổ tung" với hơn 15.000 người di cư chủ yếu là
người Syria chờ đợi được đăng ký để đi tiếp tới thủ đô Athens. Từ đầu
năm đến nay ước tính khoảng 230.000 nghìn người di cư đã đổ về Hy Lạp.
Cũng
trong ngày 7/9, trên tuyến đường cao tốc từ biên giới Serbia dẫn tới
thủ đô Budapest (ở Hungary), gần trung tâm tị nạn, khoảng 200 người nhập
cư đã xông qua hàng rào của cảnh sát và tuần hành khoảng 15km nhằm phản
đối tình trạng người di cư bị mắc kẹt tại đây. Lực lượng cảnh sát đã
kêu gọi nhóm người này bình tĩnh và thuyết phục họ quay trở lại các xe
bus để tới các địa điểm đăng ký xin tị nạn ở gần đó. Trước đó, cảnh sát
đã phải phong tỏa một đoạn đường cao tốc gần Roszke, Đông Nam Hungary,
giáp với Serbia vì dòng người nhập cư đã trèo qua các hàng rào chắn để
tràn vào con đường dẫn về thủ đô. Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người
di cư cũng đã xảy ra do người di cư quá mệt mỏi khi phải chờ đợi làm
thủ tục nhập cảnh nhiều ngày tại các lán trại quá tải ở Roszke.
Cùng
ngày, cảnh sát tại khu vực phía Nam Đan Mạch cũng đã phải phong tỏa
tuyến đường cao tốc khi các đoàn người di cư nối tiếp nhau tuần hành về
phía biên giới với Thụy Điển, quốc gia có chính sách tị nạn khá nới
lỏng. Đoàn người tuần hành sau đó đã đồng ý quay lại các địa điểm đăng
ký xin tị nạn để làm thủ tục. Nhưng rất nhiều người trong số này sau đó
lại xô xát với cảnh sát khi họ nghĩ rằng việc lấy dấu vân tay sẽ khiến
họ phải ở lại Đan Mạch thay vì được đến Thụy Điển.
Phát biểu tại
một cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Lars Rasmussen cho biết
khoảng 400 người di cư đã vào Đan Mạch trong 24 giờ qua, và con số này
tăng lên gấp đôi chỉ sau đó vài giờ. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU)
cần sớm đưa ra biện pháp chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư
đang ngày càng nghiêm trọng này.
Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch
cũng khởi động một chương trình quảng cáo trên các báo nước ngoài nhằm
cảnh báo người di cư về những nguy cơ bị cắt giảm các viện trợ xã hội,
không được đoàn tụ gia đình trong năm đầu và có thể sẽ bị từ chối cấp
quy chế tị nạn, trục xuất về nước khi tìm cách đến nước này.