Người di cư vượt qua cửa khẩu biên giới tại Zakany, Hungary ngày 16/10. Ảnh: Reuters/ TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc tuần hành được tổ chức nhằm phản đối một cuộc mít tinh của PEGIDA cũng diễn ra đồng thời tại Dresden với sự tham gia của từ 15.000 - 20.000 người nhân dịp phong trào bài xích người nước ngoài này kỷ niệm một năm xuất hiện tại thủ phủ bang Sachsen, miền Đông nước Đức.
Trong khoảng 3 giờ, những người ủng hộ PEGIDA đã tổ chức mít tinh trước Nhà hát Semperoper ở trung tâm Dresden, sau đó tiếp tục tuần hành dọc sông Elbe ra khỏi khu vực trung tâm. Lực lượng này mang theo các biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối người xin tị nạn ở Đức, trong đó có một số bức hình vẽ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong quân phục Đức quốc xã, chỉ trích Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cũng như Tổng thống Joachim Gauck.
Trong khi đó, lực lượng phản đối PEGIDA với khẩu hiệu "Trái tim thay vì sự thù hận" cũng đã thu hút được một liên minh đông đảo, kéo từ nhiều hướng tới khu vực trung tâm. Nhiều nhân viên chính quyền thành phố Dresden cũng đã xuống đường tham gia các cuộc tuần hành phản đối PEGIDA.
Lãnh đạo đảng Xanh tại Dresden, bà Simone Peter, khi tham gia tuần hành lên án PEGIDA đã kêu gọi nhìn nhận việc người tị nạn tới nước Đức như một biện pháp làm phong thú thêm cho đất nước, đồng thời kêu gọi xây dựng một nước "Đức rộng mở với thế giới". Trên trang mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Tư pháp liên bang Heiko Maas cũng đã hoan nghênh cuộc tuần hành phản đối PEGIDA tại Dresden.
Cuộc tuần hành của hai phe lên án và ủng hộ PEGIDA đã có lúc dẫn tới xô xát nhẹ, khiến một số người bị thương. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để đối phó với những người biểu tình quá khích ném pháo nổ vào các nhân viên an ninh. Theo Bộ trưởng Nội vụ bang Sachsen, ông Markus Ulbig, với sự hỗ trợ của 6 bang và cảnh sát liên bang, nhà chức trách đã triển khai trên 1.000 nhân viên an ninh nhằm đảm bảo cho cuộc tuần hành, míttinh của hai lực lượng trên.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn đang là chủ đề nóng ở Đức, phong trào PEGIDA có lúc thoái trào đã phát triển trở lại nhờ sự tham gia của một bộ phận dân chúng phản đối người tị nạn cũng như chính sách rộng mở với người tị nạn của Chính phủ Đức.