Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên ngày 28/7. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Một bài bình luận của KCNA ngày 2/10 đã cho rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là gây áp lực, chứ không phải đối thoại, nhằm buộc Bình Nhưỡng thay đổi hành vi như một phương tiện để đạt được các mục đích chính trị của ông này.
"Động thái của Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, là hành động tự sát sẽ mang những đám mây hạt nhân tới quần đảo Nhật Bản", bài bình luận cho biết. “Không ai biết khi nào tình hình không chắc chắn này sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng nếu điều đó xảy ra, Nhật Bản sẽ bị nhấn chìm trong lửa trong một khoảnh khắc. Điều này quá hiển nhiên”, bài bình luận nói thêm.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hối thúc các nước thành viên LHQ ngăn chặn Triều Tiên tiếp cận “hàng hóa, các quỹ, con người và công nghệ” cần thiết cho các chương trình phát triển vũ khí của nước này.
“Chúng ta phải làm cho Triều Tiên từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Điều cần làm không phải là đối thoại, mà là áp lực”, ông Abe nói.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản vừa cảnh báo khẩn cấp rằng Triều Tiên đang lên kế hoạch cho một hành động khiêu khích trong ít ngày tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã cảnh báo rằng ngày 10/10 tới đây là ngày kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên nên rất có khả năng chính quyền của ông Kim Jong-un sẽ tiến hành một vụ thử vũ khí lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói: “Tôi biết đây là một ngày kỷ niệm quan trọng đối với Triều Tiên. Chúng tôi sẽ duy trì trình trạng khẩn cấp”.
Trước đó, ngày 14/9, KCNA đã phát đi thông điệp đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Mỹ thành “tro bụi và tăm tối”.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã gia tăng chưa từng thấy sau khi ông Kim Jong-un tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và được cho là mạnh nhất từ trước tới nay vào ngày 3/9. Động thái phô trương sức mạnh quân sự này đã dẫn đến một vòng trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc khổ, Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu dừng lại chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Thay vào đó, quốc gia Đông Bắc Á này dọa sẽ thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương.