Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế các nước tham gia lễ ký TPP tại Auckland ngày 3/2/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhận định trên được đưa ra mặc dù tương lai của thỏa thuận này đang trở nên không chắc chắn và chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump không nên rút khỏi TPP.
Trong báo cáo từ biệt dài 9 trang, ông Froman cho rằng các thỏa thuận như TPP đã tạo ra viễn cảnh tích cực cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, bởi nếu thiếu sự lãnh đạo và dẫn dắt của Mỹ, thế giới dường như sẽ quay sang các mô hình thay thế khác và đặt Mỹ vào thế bất lợi.
Đại diện thương mại Mỹ cũng đề cập đến những thành công của Mỹ trong các vụ kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho rằng chúng đều kết thúc có lợi cho Mỹ, điển hình như vụ kiện giữa Mỹ và Ấn Độ liên quan đến việc xuất khẩu các tấm thu năng lượng mặt trời...
Ông Froman tự hào về những gì đã làm được trong 8 năm qua và việc đặt nền tảng cho tương lai, từ việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao như TPP tới việc thúc đẩy các chương trình thương mại theo các cam kết đã có, nâng các tiêu chuẩn, tạo ra các cơ hội xuất khẩu cho người lao động, nông dân, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người Mỹ, giúp tạo sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ.
Tại những thời điểm khó khăn, Mỹ đã thành công khi kêu gọi các thành viên Quốc hội của cả 2 đảng hợp tác để thông qua những thỏa thuận thương mại quan trọng cũng như xây dựng các chính sách thương mại; tạo sự liên kết rộng rãi tại Mỹ, giữa nhà sản xuất, người nông dân, người lao động và các nhóm bảo vệ môi trường; theo đuổi các chính sách giúp tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cũng cho rằng chính quyền và Quốc hội mới hoạt động trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu và nền kinh tế vững mạnh hơn thời điểm ông Obama lên cầm quyền. Chính quyền và Quốc hội mới sẽ có những lựa chọn quan trọng về chính sách thương mại trong tương lai, về vai trò lãnh đạo và sự liên kết, can dự, tham gia của Mỹ vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo từ nhiệm, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cũng đề cập đến những thành tựu quan trọng của bộ này, đó là việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nhà sản xuất, người lao động Mỹ với các nền kinh tế khác, đặc biệt là việc chính quyền Tổng thống Obama đã có những bước đi quan trọng nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp và người lao động Mỹ bị bất lợi từ các chính sách trợ giá của nước ngoài như tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá.