Đó là nội dung thảo luận chính của Hội thảo lần thứ 14 về tương lai nền kinh tế khu vực Trung Đông, vừa được tổ chức tại Doha, Qatar, với sự tham gia của 270 quan chức, doanh nghiệp, học giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu từ hơn 70 quốc gia.
Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh phức tạp khi thế giới đang chứng kiến những thách thức và xu hướng chuyển đổi căn bản trong lĩnh vực kinh tế, cùng xu thế gia tăng các chính sách bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có khu vực Trung Đông. Trên nền bức tranh kém sắc đó, nền kinh tế Trung Đông được đánh giá còn phải chịu tác động tiêu cực của những yếu tố cạnh tranh địa chính trị chiến lược gay gắt và tình trạng bất ổn an ninh.
Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al Emadi lưu ý rằng khu vực Trung Đông có nguồn tài nguyên khổng lồ, khả năng tài chính dồi dào và tiềm lực con người to lớn, song những yếu tố này chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Điều kiện kinh tế hiện nay tại khu vực không tương xứng với tiềm năng sẵn có và hầu hết các quốc gia ở Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái, cơ sở hạ tầng cùng dịch vụ công yếu, tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo gia tăng, tham nhũng tràn lan. Những thách thức này đang đặt ra nguy cơ làm gia tăng bất ổn và đe dọa tới an ninh, ổn định và các nỗ lực phát triển tại khu vực.
Xung đột, bạo lực, khủng bố vẫn đeo bám dai dẳng ở nhiều khu vực của Trung Đông. Các cuộc xung đột kéo dài như tại Syria, Iraq, Yemen đã khiến nền kinh tế nhiều quốc gia trong khu vực bị kiệt quệ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, kéo theo đó là làn sóng người tị nạn và di cư ồ ạt, gây khó khăn cho nền kinh tế các nước láng giềng và các nước trong khu vực.
Tình trạng xung đột, bất ổn tại đây cũng là môi trường thuận lợi dung dưỡng cho tư tưởng cực đoan, khủng bố, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Cùng với những yếu tố này, tình trạng trì trệ, hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng tràn lan tại nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông cũng là những nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế khu vực. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn tới làn sóng biểu tình quy mô lớn nhất tại khu vực kể từ sau "Mùa Xuân Arab", với những yêu cầu đòi chính phủ từ chức, đổi mới cơ chế đang xảy ra tại Liban, Iraq.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc chặt chẽ của nền kinh tế hầu hết các nước trong khu vực vào nguồn thu dầu mỏ, tình trạng thất nghiệp, yếu kém trong hệ thống giáo dục hay chậm tiếp thu các tiến bộ về khoa học công nghệ... cũng góp phần kéo lùi sự phát triển kinh tế khu vực.
Đặc biệt, sự kiện hai cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái hôm 14/9 khiến sản lượng dầu của nước này giảm 50% (tương đương 5,7 triệu thùng/ngày), càng làm nổi bật sự phụ thuộc trầm trọng của nền kinh tế Saudi Arabia nói riêng và nhiều nước Trung Đông nói chung vào nguồn thu dầu mỏ. Đơn cử như từ năm 2014-2017, với việc giá dầu xuống thấp, Saudi Arabia đã phải sử dụng 240 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho lượng thâm hụt ngân sách do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm.
Do đó, nhiều quốc gia khu vực, trong đó đi tiên phong là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar đã bắt đầu triển khai kế hoạch đầy tham vọng mang tên “Tầm nhìn 2030” với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, mở đường cho hàng loạt những thay đổi và cải cách táo bạo. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa nền kinh tế các nước này, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời, phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực du lịch để thu hút đầu tư, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Đó chỉ là một phần trong những nỗ lực của các nước Trung Đông xác lập tương lai mới cho nền kinh tế khu vực. Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al Emadi nhấn mạnh cần phải vượt qua các thách thức đang kéo lùi sự phát triển kinh tế khu vực thông qua việc xây dựng các kế hoạch toàn diện cho giáo dục và đào tạo nghề, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo cùng các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng như thúc đẩy sự tham gia của lĩnh vực tư nhân trong các hoạt động của nền kinh tế.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong vòng 5 năm tới, khoảng 27 triệu thanh niên tại Trung Đông sẽ tham gia thị trường lao động, với 60% dân số ở độ tuổi dưới 30. Do đó, sức ép về tạo thêm việc làm là rất lớn đối với chính phủ các nước Trung Đông. Tại nhiều nước, chính phủ đã đưa ra các sáng kiến, cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế tư nhân với sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, du lịch, hóa dầu.
Trong kế hoạch Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng sự đóng góp của lĩnh vực kinh tế tư nhân vào tổng thu nhập quốc dân (GDP) đạt từ 40-65% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ các nước cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường áp dụng đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Có thể nói nền kinh tế khu vực Trung Đông đã bắt đầu vận động, chuyển mình để bắt kịp xu thế mới, với việc thực hiện những cải cách táo bạo nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy vậy, con đường phía trước vẫn còn dài và có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cũng như sự tham gia tích cực của kinh tế tư nhân, hướng tới một tương lai tươi mới cho nền kinh tế khu vực được cho còn rất nhiều tiềm năng này.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất, có vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của dự án này, là bảo đảm được an ninh và sự ổn định ở khu vực Trung Đông vốn luôn đầy rẫy mâu thuẫn, chia rẽ và là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt của nhiều cường quốc thế giới. Mặc dù tương lai nền kinh tế Trung Đông được thảo luận trong một cuộc hội thảo ở Qatar, song "lực đẩy" để kinh tế Trung Đông cất cánh, có thể lại nằm ở những tính toán bên ngoài khu vực.