Tương lai u ám của các nhà máy sản xuất sữa chua ở Pháp

Những chiếc xe bồn chở đầy sữa tươi, thu được từ khắp miền Bắc nước Pháp, đã có mặt tại một trong những nhà máy sản xuất sữa chua lớn nhất nước này để chờ dỡ hàng. Thế nhưng, cảnh tượng này có thể sẽ không còn nữa trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang cân nhắc cách thức cắt giảm việc sử dụng năng lượng.

Cũng như nhiều nước, Pháp có kế hoạch đóng cửa một số doanh nghiệp nếu không có đủ khí đốt hoặc điện. Hiện nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa Đông này do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, việc cắt giảm năng lượng, hoặc thậm chí phải đóng cửa các doanh nghiệp có thể gây ra những hậu quả kinh tế không ngờ tới, trong đó có việc ngừng sản xuất món ăn ưa thích của người tiêu dùng Pháp như sữa chua.

Pháp là nước tiêu thụ sữa chua rất lớn, chỉ đứng sau Hà Lan về mức tiêu thụ bình quân trên đầu người. Sữa chua không chỉ là một món ăn sáng mà còn được dùng để ăn trưa hoặc như một bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên, sản xuất sữa chua là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng.

Sau khi trải qua quá trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, sữa tươi từ các xe bồn sẽ được chuyển vào bồn chứa - nơi sữa được đun nóng nhanh ở nhiệt độ cao để diệt khuẩn. Sau đó, sữa tiệt trùng được tạo thành sữa chua hoặc các sản phẩm khác. Chúng sẽ được giữ lạnh trước khi được vận chuyển nhanh chóng đến các siêu thị. 

Ông Patrick Falconnier, Giám đốc nhà máy Eurial Ultra Fresh, ở Đông Nam thủ đô Paris, chia sẻ việc không có khí đốt đồng nghĩa không có sữa chua. Ông cho biết đã nhận được thông báo về nguy cơ cắt giảm khí đốt vào một số thời điểm nhất định trong mùa Đông này. Việc thiếu khí đốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiệt trùng, khiến các nhà máy không thể tiếp nhận sữa, ảnh hưởng đến quá trình thu mua sữa. Người tiêu dùng sẽ nhanh chóng cảm nhận được tác động của việc này chỉ trong vài ngày, khi các siêu thị tiếp nhận hàng mỗi ngày. 

Giám đốc nhà máy Eurial Ultra Fresh cũng lo ngại ngành sản xuất sữa chua khó có thể "trụ vững" do những gián đoạn trên. Đại dịch COVID-19 đã khiến một lượng lớn lao động trong ngành phải nghỉ việc. Trong khi đó, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá năng lượng, bao bì và trái cây tăng cao, đã kéo chi phí sản xuất tăng thêm 20%.

Trước đó, vào cuối tháng 8, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo nguy cơ phải cắt giảm năng lượng luân phiên trong mùa Đông này, đồng thời đề nghị cắt giảm sản xuất. Các bộ trưởng trong chính phủ cũng đã bắt đầu họp với các liên đoàn công nghiệp về cách thức cắt giảm sản xuất, với mục tiêu giảm 10% trong vòng 2 năm.

Ông Falconnier cho biết ông đã cân nhắc chuyển sang sử dụng methane - một loại khí có thể được tạo ra từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ ở các trang trại, bãi rác và nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ mất từ 5 đến 10 năm và rất ít khả năng cắt giảm nhanh chóng việc sử dụng năng lượng trong sản xuất. Do đó, ngành sản xuất sữa chua ở Pháp đang đối mặt với tương lai khá u ám.

Ngọc Hà (TTXVN)
Sữa chua VEYO tạo ấn tượng mạnh tại Vietnam Dairy 2022
Sữa chua VEYO tạo ấn tượng mạnh tại Vietnam Dairy 2022

Khách tham quan Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa 2022 (Vietnam Dairy 2022) được thưởng thức sữa chua uống VEYO- sữa chua 100% thực vật đầu tiên tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN