“Đây là một lời mời chuyển sang Đức”, Thomas Jarzombek - Ủy viên phụ trách Công nghiệp Kỹ thuật số và Khởi nghiệp thuộc Bộ Kinh tế Đức – bày tỏ trên trang mạng xã hội ngày 28/5.
“Tại đây, bạn được tự do chỉ trích chính phủ cũng như đấu tranh xử lý nạn tin giả. Chúng tôi có một hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ tuyệt vời, công ty của các bạn sẽ là một sự lựa chọn phù hợp và chúng tôi sẵn sàng mở cửa cho bạn”, nhà chức trách cho hay.
Lời đề nghị của ông Thomas Jarzombek dường như khá mâu thuẫn với quan hệ vốn dĩ không hòa thuận giữa Chính phủ Đức và các “ông lớn” mạng xã hội Mỹ. Đầu năm 2018, Đức chính thức thi hành luật yêu cầu các trang mạng xã hội loại bỏ thông điệp mang nội dung thù hận hay tin giả. Nếu không nhanh chóng gỡ bỏ bình luận xấu, các trang mạng xã hội có thể bị phạt tới 55 triệu USD.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump ngày 28/5 đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội.
Tổng thống Trump cáo buộc các công ty truyền thông xã hội đã lạm dụng quyền “kiểm duyệt, hạn chế, sửa đổi, định hướng, che giấu và ngăn chặn” hầu hết dạng thức truyền tải thông tin giữa các cá nhân hoặc đông đảo khán, thính giả trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 25/5, Tổng thống Trump dọa sẽ kiểm soát hoặc đóng cửa các công ty truyền thông xã hội sau khi mạng xã hội Twitter lần đầu tiên gắn cảnh báo "thông tin cần kiểm chứng" với 2 trong số những dòng trạng thái mà ông chủ Nhà Trắng đăng tải trên mạng này để người đọc lưu ý kiểm nghiệm lại thông tin.
Trong các dòng trạng thái mới đăng tải trên Twitter, ông Trump đã cáo buộc Twitter, nền tảng mạng xã hội được nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng nhiều nhất với những dòng trạng thái hằng ngày, "dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận, can thiệp bầu cử Mỹ" đồng thời cho rằng nền tảng này thiên vị chính trị. Ông Trump cảnh báo chính quyền đương nhiệm sẽ kiểm soát chặt chẽ hoặc đóng cửa những nền tảng này, đồng thời yêu cầu các trang mạng phải lập tức thay đổi.
Căng thẳng nảy sinh khi Twitter dán cảnh báo đối với hai bài đăng trên tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump về kế hoạch bỏ phiếu qua bưu điện do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dấu cảnh báo tự động khuyến cáo người đọc kiểm chứng lại sự việc và kết nối đến một trang chứa nội dung “sự thật về bỏ phiếu qua bưu điện”.
Twitter xác nhận đây là lần đầu tiên áp dụng nhãn cảnh báo kiểm chứng thông tin đối với bài đăng của một vị tổng thống. Động thái nằm trong khuôn khổ mở rộng chính sách mới của Twitter trong tháng này nhằm trấn áp nạn tin giả liên quan đến COVID-19. Công ty có trụ sở tại San Francisco cho biết sắp tới sẽ mở rộng chính sách liên quan đến thông tin sai hoặc gây tranh cãi về COVID-19 sang nhiều chủ đề khác.