Báo cáo của Twitter nêu rõ, trong giai đoạn từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2017, hơn 1,2 triệu tài khoản đã bị tạm ngừng hoạt động do những vi phạm liên quan tới việc đăng tải các nội dung kích động khủng bố.
Tuy nhiên, Twitter cũng cho biết, sau nhiều năm nỗ lực ngăn chặn tình trạng các đối tượng cực đoan lợi dụng Twitter để đăng tải các bài viết khuyến khích khủng bố, Twitter đã ghi nhận những kết quả tích cực đáng kể khi tình trạng này ngày càng có chiều hướng giảm.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2017, số tài khoản vi phạm bị khóa là gần 275.000, giảm 8,4% so với 6 tháng trước đó và là mức giảm thứ 2 liên tiếp. Có tới 74% số tài khoản bị khóa trong nửa cuối năm ngoái đã không có cơ hội đăng tải bài viết đầu tiên.
Cũng theo Twitter, các báo cáo của Chính phủ Mỹ về các trường hợp vi phạm liên quan tới hành vi cổ xúy khủng bố chỉ chiếm tới chưa đến 0,2% trong số các tài khoản bị "cấm cửa" trong giai đoạn này.
Các tổ chức khủng bố, trong đó có tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, thường sử dụng Twitter như một công cụ để kêu gọi tiến hành các vụ tấn công khủng bố hoặc chiêu mộ tân binh. Twitter đang đối mặt với sức ép từ các chính phủ trên thế giới khi phải mạnh tay trấn áp tình trạng này, trong khi vẫn đảm bảo duy trì một diễn đàn tự do và cởi mở.