Tỷ lệ cử tri Pháp đi bầu cao hơn năm 2012

Bộ Nội vụ Pháp cho biết tỷ lệ cử tri Pháp tham gia bỏ phiếu trong vòng một bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4 tính đến 12h (theo giờ địa phương - 10h giờ GMT) đã cao hơn so với cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2012.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, sau 4 giờ kể từ khi các điểm bỏ phiếu mở cửa (lúc 8h sáng), tỷ lệ cử tri đi bầu đã đạt khoảng 28,54%, cao hơn so với cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2012 chỉ đạt 28,29%. Với con số này, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử Tổng thống Pháp vòng một lần này được dự báo có thể vượt quá con số 79,48% ghi nhận trong vòng 1 bầu cử năm 2012.

Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon (phải) bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Paris ngày 23/4. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, các cuộc thăm dò thực hiện trong những ngày cuối cùng trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng một cho thấy tỷ lệ đi bầu sẽ thấp hơn những lần trước, với chỉ khoảng 72% cử tri tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu. Giới phân tích cho rằng tỷ lệ đi bầu thấp cho thấy sự mất lòng tin của người Pháp đối với giới chính trị. Nhiều cử tri cho rằng có khoảng cách quá xa giữa người dân và những người được họ bầu ra, và rằng lá phiếu của cử tri không tác động nhiều đến kết quả cuộc bầu cử.


Tuy nhiên, giới phân tích cũng dự báo những diễn biến bất ngờ mới đây về an ninh của Pháp có thể trở thành động cơ thúc đẩy người dân Pháp đi bỏ phiếu. Theo đó, các sự kiện an ninh, đặc biệt là vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Élysées tối 20/4 khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 người bị thương, đã khiến chủ đề chống khủng bố và vấn đề nhập cư nóng trở lại vào ngày vận động tranh cử cuối cùng. Giới phân tích cho rằng sự kiện này nhắc nhở người dân Pháp về nguy cơ an ninh mà nước này đang phải đối mặt và họ sẽ muốn đi bỏ phiếu để chọn ra ứng cử viên có khả năng hành động kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, cử tri Pháp có thể tích cực tham gia bầu cử hơn do lo ngại kịch bản bất ngờ như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hoặc Brexit ở Anh có thể xảy ra. Trong bối cảnh tỷ lệ cử tri còn do dự khá cao, tỷ lệ đi bầu cao có thể đem đến những bất ngờ cho kết quả cuộc bầu cử vòng một.


Đây là lần đầu tiên nước Pháp tiến hành bầu cử trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì kể từ khi ban bố sau chuỗi vụ tấn công đêm ngày 13/11/2015 tại Paris và vùng phụ cận. Hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh được huy động bên cạnh 7.000 binh sĩ thuộc lực lượng chống khủng bố Sentinelle nhằm bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.


Tất cả 11 ứng cử viên tranh cử đã đi bỏ phiếu tại các địa điểm đăng ký. Đối với nhiều ứng cử viên, các địa điểm họ đăng ký bỏ phiếu là địa phương họ đã bắt đầu sự nghiệp chính trị hoặc đã giữ các chức vụ lãnh đạo chính quyền địa phương trong nhiều năm, được coi như thành trì chính trị của họ.


Năm nay được đánh giá là khó đoán định nhất từ trước tới nay. Theo kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bỏ phiếu, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, 39 tuổi, đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%. Tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, với 22%. Cựu Thủ tướng François Fillonn và nhà lãnh đạo của phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Melenchon đều nhận được 19% số phiếu ủng hộ. Giới phân tích dự đoán nhiều khả năng ông Macron và bà Le Pen sẽ “nắm tay nhau” bước vào vòng 2 cuộc bỏ phiếu, dự kiến tổ chức vào ngày 7/5 tới.


Dự kiến công tác kiểm phiếu bầu cử vòng một sẽ được bắt đầu vào 19 giờ ngày 23/4 theo giờ địa phương.

TTXVN/ Tin Tức
Năm điều đáng lưu ý hậu bầu cử Tổng thống Pháp
Năm điều đáng lưu ý hậu bầu cử Tổng thống Pháp

Trang mạng tờ The Hill của Mỹ đưa ra 5 điều cần lưu ý sau khi vừa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN