Đây là một phần nội dung trong báo cáo dân số của Liên hợp quốc (LHQ) có tựa đề "Triển vọng dân số thế giới 2019: Những điểm nổi bật" công bố ngày 17/6.
Cụ thể, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động từ 24-64 tuổi so với người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản là 1,8. Do tình trạng lão hóa dân số, trong khi tỷ lệ sinh liên tục ghi nhận mức thấp kỷ lục, trong năm 2019, dự kiến, sẽ có thêm ít nhất 90.000 người được bổ sung vào lực lượng lao động của nước này.
Cũng trong báo cáo trên, Australia và New Zealand ghi nhận tỷ lệ này ở mức 3,3, châu Âu và Nam Mỹ là 3,0, còn khu vực châu Phi là 11,7. Tuy nhiên, LHQ dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này tại 48 nước, phần lớn tại châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á sẽ giảm xuống tỷ lệ dưới 2.
Báo cáo chỉ rõ những tác động tiêu cực của tình trạng dân số lão hóa dân số đối với thị trường việc làm, tăng trưởng kinh tế, cũng như sức ép tài chính mà nhiều nước sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới liên quan quan hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, chế độ hưu trí và các chế độ bảo hiểm xã hội cho người già.
Riêng về tình hình dân số tại Nhật Bản, LHQ khuyến cáo đất nước "Mặt trời mọc" cần có những biện pháp như điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu và khuyến khích người lao động có tuổi tiếp tục làm việc để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong dài hạn.
Lần đầu tiên, báo cáo chỉ ra rằng trong năm 2018, số người trên 65 tuổi của toàn thế giới đã vượt số trẻ em dưới 5 tuổi và dự báo con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Khi đó, số người trên 80 tuổi cũng sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050. Tính từ năm 1990 đến năm 2019, tỷ lệ sinh đã giảm từ 3,2 còn 2,5. Dự kiến, đến năm 2050, tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 2,2.
Cũng theo báo cáo trên, dân số thế giới dự kiến tăng 2 tỷ người trong 30 năm tới, từ 7,7 tỷ người hiện nay lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đến cuối thế kỷ này, dân số dự kiến tăng lên gần 11 tỷ người. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027.