Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Meng Heng thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô hiện giảm mạnh xuống khoảng 100-200 ca/ngày, so với 400-500 ca/ngày tháng trước. Có được kết quả như vậy là nhờ gần như tất cả người dân trong độ tuổi trưởng thành ở Phnom Penh đã được tiêm phòng COVID-19 và đa phần người dân tuân thủ hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và đảm bảo giãn cách xã hội.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 24/6 đã ra quyết định mở cửa trở lại các chợ tư nhân bắt đầu từ ngày 25/6, song các chủ chợ và quản lý chợ phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp y tế như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế số lượng khách hàng. Người đi chợ phải quét mã QR truy dấu COVID-19 và kiểm tra nhiệt độ ở cửa vào.
Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 ở Phnom Penh đã dịu bớt, nhưng nhiều tỉnh khác ở Campuchia như Koh Kong, Ratanakiri, Kampong Cham, Takeo, Kampot, Svay Rieng và Kep đang đối mặt với số ca lây nhiễm liên tục tăng 2 chữ số mỗi ngày, đặc biệt tại khu vực giáp biên giới với Thái Lan. Trước tình hình này, Bộ Y tế Campuchia đã đề nghị các bác sĩ và nhân viên kỹ thuật được đào tạo để tiêm phòng COVID-19 tại sở y tế các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng chờ vaccine đến để tiêm phòng cho người dân sớm nhất có thể. Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath, nếu không có gì thay đổi, 2 triệu liều vaccine Sinovac sẽ tới nước này vào cuối tháng 6.
Ngày 24/6, Bộ Y tế Campuchia cho biết tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 45.000 ca (cụ thể là 45.366 ca) và từ ngày 19-24/6 đã có thêm 99 người tử vong vì đại dịch. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 655 ca mắc mới, trong đó có 72 ca nhập cảnh và có thêm 18 người tử vong, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 493 người.
Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo các trường công và các cơ sở giáo dục tư nhân trên cả nước tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông tin mới. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ngày 23/6 họp trực tuyến với đại diện khu vực giáo dục tư nhân về đề nghị mở cửa trở lại các trường học.
Trong khi đó, Bộ Y tế Lào cho rằng nước này cần ít nhất 7,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để hoàn thành mục tiêu ít nhất 50% dân số được tiêm vaccine phòng bệnh trong năm 2021 và đến nay đã nhận được cam kết có trên 6,6 triệu liều vaccine.
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/6, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết đã có trên 853.000 người tại Lào được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, tương đương 11,64% dân số, trong khi gần 500.000 người đã được tiêm mũi thứ 2, chiếm khoảng 6,7% dân số. Với trên 1,3 triệu mũi đã tiêm, Lào chỉ ghi nhận 104 ca có biến chứng và hầu hết là triệu chứng nhẹ, không có ca tử vong.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế Lào đã khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cho rằng người dân không nên lựa chọn vaccine vì loại nào cũng có công dụng phòng bệnh.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 4 ca mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.080 ca mắc COVID–19, trong đó có 3 ca tử vong.
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun thông báo tất cả những ai có mong muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm mũi đầu tiên vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới.
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, ông Braun khẳng định với nguồn vaccine hiện có và số lượng người dân muốn tiêm phòng, có thể cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Đức sẽ tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng này. Ông nêu rõ tỷ lệ tiêm chủng và mức độ miễn dịch cao sẽ là yếu tố quyết định chống lại biến thể Delta, được dự báo là có thể lây lan nhanh tại Đức trong vài tuần.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Moderna hy vọng có thể cung cấp vaccine COVID-19 cho Đức nhanh hơn so với đã cam kết là vào quý III. Moderna cho biết có thể cung cấp tổng cộng khoảng 80 triệu liều vaccine trong năm 2021, như dự kiến của Bộ Y tế Đức.
Hiện Moderna đang đàm phán với Đức về việc thiết lập năng lực sản xuất vắc xin mRNA tại nước này cũng như một số nước châu Âu khác.