Các nhà khoa học đã theo dõi những bệnh nhân nhập viện tại thành phố Tshwane ở tỉnh Gauteng (Nam Phi), nơi là tâm chấn đầu tiên của đợt bùng phát biến thể Omicron. Kết quả cho thấy có 4,5% bệnh nhân nhập viện tử vong vì Omicron, trong khi ở các đợt bùng phát do các biến thể trước đây gây ra thì tỷ lệ này lên tới 21,3%. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chưa đến một nửa số người nhập viện cần hỗ trợ thở oxy, trong khi tỷ lệ này ở các ca nhiễm những biến thể trước đây lên tới 99,5%. Số người cần được chăm sóc đặc biệt cũng thấp hơn nhiều, khoảng 1% so với 4,3% trong các đợt bùng phát trước đó. Ngoài ra, bệnh nhân nhập viện trong đợt bùng phát Omicron được xuất viện trung bình sau 4 ngày, so với 8,8 ngày của các đợt dịch trước.
Với các dữ liệu trên, các nhà khoa học cho rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một "sự tách biệt hoàn toàn giữa tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong", dẫn tới chấm dứt dịch bệnh và chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu (tức là dịch bệnh mang tính địa phương, xuất hiện theo mùa).
Biến thể Omicron hiện đang lây lan trên toàn cầu và góp phần gây ra những làn sóng dịch bệnh mới. Tuy nhiên, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 29/12 nhận định vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron cho tới khi biến thể lây lan rộng hơn tới những người lớn tuổi.
Tiến sĩ Ryan cũng cho rằng giai đoạn "cấp tính" của đại dịch COVID-19 có thể kết thúc vào năm tới, song virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất.