Điều này đã khiến các tổ chức từ thiện, chính trị gia và giới bình luận đặt câu hỏi về nguyên do vì sao một số thương hiệu lại lên tiếng đóng góp nhanh chóng như vậy. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một chiêu “đánh bóng tên tuổi” của một số nhãn hàng lớn, hoặc sâu xa hơn là lợi ích từ việc giảm thuế cho các khoản đóng góp.
Khoản quyên góp lớn đầu tiên cho Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi công trình gặp hỏa hoạn là của nhà tỷ phú Francois-Henri Pinault, hiện đang điều hành tập đoàn Kering sở hữu các nhãn hiệu thời trang Gucci, Balenciaga và Yves Saint Laurent nổi tiếng. Nhà tài phiệt 56 tuổi này đã cam kết 100 triệu euro trong khi ngọn lửa tại Nhà thờ Đức Bà vẫn chưa được khống chế.
Vài giờ sau, đối thủ trên thương trường của Pinault, người giàu nhất nước Pháp ông Bernard Arnault đang là chủ sở hữu của thương hiệu Louis Vuitton LVMH, tuyên bố quyên góp 200 triệu euro.
Gia đình Bettencourt-Meyer, cổ đông lớn nhất của hãng mỹ phẩm đình đám L’Oreal, sau đó cũng có động thái tương tự, cam kết quyên góp 200 triệu euro.
Markus Renner, giáo sư quản lý thương hiệu ở Thụy Sĩ kiêm người sáng lập Cộng đồng Thương hiệu và Danh tiếng Quốc tế, cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy các tỷ phú như Pinault, Arnault và Bettencourts đưa ra phản ứng rất nhanh như vậy.
“Tại sao không chờ đợi và tìm hiểu việc phục dựng nhà thờ là bao nhiêu rồi hãy quyên góp?”, giáo sư Renner chỉ ra rằng các tỷ phú và các công ty có thể quyên góp tiền một cách im lặng, nhưng họ đã chọn cách thông báo công khai.
Vị giáo sư này còn cho rằng nếu đám cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris được bảo hiểm chi trả, tiền quyên góp trùng tu có thể không cần đến.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về nhãn hiệu và uy tín đánh giá phản ứng nhanh của các đế chế kinh doanh Pháp là hợp lý, đặc biệt là khi thảm họa xảy ra liên quan đến biểu tượng đất nước.
Ông Adrian Palmer, trưởng khoa marketing và quản lý nhãn hiệu của trường Kinh doanh Henley – ĐH Reading (Anh), cho rằng 3 gia đình tỷ phú và tập đoàn kể trên gắn liền với thương hiệu quốc gia, và việc tuyên bố quyên tiền sẽ càng củng cố mối liên hệ đó.
“Những thương hiệu này tượng trưng cho nước Pháp và họ cung cấp các sản phẩm toàn cầu, vì vậy bất kỳ thứ gì đưa thương hiệu Pháp vào suy nghĩ của mọi người đều là giúp họ và cách họ phản ứng. Nó gây ấn tượng tốt trong lòng công chúng, rằng họ hào phóng, quan tâm và tốt bụng”, chuyên gia Palmer giải thích.
Mặt khác, dựa trên quan điểm phi tiếp thị, đề nghị hỗ trợ nhanh chóng từ các thương hiệu có thể đem đến lợi ích về mặt chính trị cho một công ty. Cả ba công ty này đều công khai ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron và muốn giành được thiện cảm từ ông khi sớm hưởng ứng lời kêu gọi tái xây dựng nhà thờ.
Theo quy định luật pháp tại Pháp, các khoản đóng góp từ thiện được trừ thuế 60%. “Người dân sẽ gánh chịu chi phí đó”, Gilles Carrez, thành viên Quốc hội của đảng cánh hữu Les Republicains đồng thời giữ chức vụ tại Ủy ban Tài chính, cho biết. Giới phê bình cho biết đây mới là lý do khiến sự đóng góp từ những nhà tài phiệt như Pinault, Arnault… không còn giữ được ý nghĩa như ban đầu.
Tuy nhiên, gia đình Pinault ngày 16/4 đã ra một tuyên bố “từ chối bất cứ lợi ích thuế nào có thể hưởng từ việc quyên góp”. Trong khi đó, nhãn hàng LVMH lên tiếng bác bỏ động cơ đánh bóng hình ảnh.
“Vấn đề duy nhất ở đây là tìm cách và gây quỹ nhiều nhất có thể để giải quyết sự việc, nó vượt ngoài những suy tính về thuế hay tài chính”, người phát ngôn tập đoàn LVMH trả lời khi được phóng viên hãng tin Reuters hỏi. Gia đình Bettencourt-Meyer từ chối bình luận về việc quyên góp tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.
Theo Keith Glanfield – Giáo sư tại Đại học kinh doanh Aston, Ba gia đình Pháp và công ty của họ từ lâu gắn với việc quyên góp cho các hoạt động nghệ thuật và văn hóa Pháp cho nên “không có gì ngạc nhiên khi những thương hiệu lớn này muốn thể hiện sự thương cảm và ủng hộ việc tái gây dựng công trình không chỉ đơn thuần là một tòa nhà mà còn là biểu tượng văn hóa của nhân loại”.