Ông Omar Al Yazedi, Phó giám đốc Cơ quan Khí tượng UAE khẳng định cơ quan này không làm mưa nhân tạo trong thời gian này. Ông nhấn mạnh: "Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc làm mưa nhân tạo là phải nhắm mục tiêu vào các đám mây ở giai đoạn đầu trước khi trời mưa. Một khi trời đã giông bão nghiêm trọng thì quá muộn để tiến hành bất kỳ hoạt động gây mưa nhân tạo".
Trước đó, hôm 16/4, thành phố Dubai đã hứng lượng mưa bằng lượng mưa trung bình cả năm. Mưa lớn bất thường đã nhấn chìm đường phố Dubai trong biển nước, gây gián đoạn giao thông và cuộc sống của người dân tại đây.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ngập lụt ở Dubai có một phần nguyên nhân là do hoạt động gieo hạt mây tạo mưa nhân tạo mà chính quyền UAE thực hiện nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước.
Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, UAE bắt đầu áp dụng phương pháp "gieo hạt" đám mây. Gieo hạt đám mây là một kỹ thuật điều chỉnh thời tiết nhằm nâng cao khả năng tạo mưa của đám mây.
Trước khi máy bay bay lên bầu trời, các nhà khí tượng sẽ phải quan sát và lựa chọn đám mây phù hợp. Quá trình gieo hạt sẽ chỉ hoạt động trên các đám mây vũ tích. Mây vũ tích là một loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao liên quan đến giông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước mang các dòng khí mạnh từ dưới mặt đất lên. Khi xác định được đám mây nào cần tạo mưa, các phi công sẽ bay bên dưới và bắn pháo sáng chứa các hạt muối hút ẩm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra bông tuyết ngưng tụ. Kỹ thuật gieo hạt trên đám mây đã được sử dụng ở nhiều khu vực trên toàn thế giới, bao gồm cả các bang miền Tây nước Mỹ.
Phương pháp trên đã gây tranh cãi khi nhiều chuyên gia cho rằng nó có khả năng gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học chưa ghi nhận tác động có hại của việc gieo hạt trên đám mây và các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy phương pháp này có hiệu quả.