Hãng tin Reuters chiều 3/2 cho biết nhà máy lọc dầu bị UAV tấn công có công suất xử lý 14,8 triệu tấn (gần 300.000 thùng mỗi ngày) dầu thô mỗi năm.
Sau vụ tấn công, nhà sản xuất dầu Lukoil, đơn vị sở hữu nhà máy lọc dầu Volgograd, chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, vụ tấn công đã được xác nhận bởi giới chức địa phương.
Thống đốc Volgograd, Andrey Bocharov, cho biết trên kênh Telegram của chính quyền địa phương rằng không có thương vong nào sau vụ việc.
Theo ông Bocharov, vụ cháy do một chiếc UAV bị rơi và sau đó, lực lượng cứu hỏa và cứu hộ nhanh chóng có mặt, tiến hành khoanh vùng đám cháy kịp thời trước khi dập tắt nó.
Tờ Ukrainska Pravda cùng ngày cho biết thêm đám cháy xảy ra vào đêm ngày 2, rạng sáng 3/2 trong một diện tích khoảng 300 mét vuông, tạo ra khỏi dày cuồn cuộn.
Tuy không có thương vong, nhưng có thông tin rằng thiệt hại ở đó rất nghiêm trọng.
Vài tuần qua, một số cơ sở năng lượng bên trong nước Nga liên tục bị cháy sau những vụ tấn công bằng UAV, bao gồm một nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, một cơ sở lưu trữ cũng của hãng Rosneft tại Klintsy và cổng xuất khí đốt, cảng Ust-Luga trên biển Baltic của hãng khí đốt Novatek.
Theo chuyên gia an ninh năng lượng Olena Lapenko thuộc cơ sở nghiên cứu DiXi Group của Ukraine, các vụ tấn công vào kho dầu và cơ sở lưu trữ dầu làm xáo trộn các tuyến hậu cần và làm chậm hoạt động tác chiến.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York, chuyên gia Lapenko nói: "Việc làm đứt gãy các tuyến cung ứng, vốn đóng vai trò như mạch máu nuôi cơ thể, là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm chống Nga trên chiến trường".
Ngoài khía cạnh hậu cần quân sự, Lapenko cho rằng các cuộc tấn công đó còn nhằm gây thiệt hại cho một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế của Nga và chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Theo chuyên gia Lapenko, Moskva đã thu hơn 400 tỷ USD từ việc xuất khẩu dầu kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.