Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak ngày 3/6 bình luận trên mạng xã hội Twitter rằng lộ trình của Indonesia “giống như một bản đề xuất song sinh của Nga”.
Cố vấn Podolia nhắc lại quan điểm của Kiev rằng “chỉ có một đề xuất thực tế” là Nga “rút khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng nhấn mạnh rằng Nga nên bàn giao các khu vực mới được sáp nhập mà Kiev cho là chiếm đóng trái phép. Ông khẳng định không thể có kịch bản thay thế nào khác.
Trước đó cùng ngày, phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đề nghị cả quân đội Nga và Ukraine rút 15 km khỏi vị trí hiện tại, tạo ra một khu vực phi quân sự được giám sát bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ông cũng đề xuất tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý do Liên hợp quốc bảo trợ để xác định các vùng lãnh thổ tranh chấp trong tương lai.
Điện Kremlin cho đến nay vẫn chưa bình luận về đề xuất của Indonesia. Giới chức Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng để đạt được một nền hòa bình lâu dài, Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời công nhận quyết định độc lập của các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập Nga.
Hôm 2/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận xét với các phóng viên rằng tại thời điểm này không có cơ sở cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa giữa các bên.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã giới thiệu kế hoạch hoà bình gồm 12 điểm cho Nga và Ukraine, song cũng bị Kiev ngay lập tức bác bỏ.
Các quan chức phương Tây lập luận rằng Ukraine nên đàm phán với Nga theo các điều kiện của riêng mình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2/6 cho rằng “một lệnh ngừng bắn có lợi cho Moskva sẽ không tạo ra nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Ukraine vào tháng 2/2022, viện dẫn nhu cầu bảo vệ người dân Donbas và việc Kiev không thực hiện hiệp định hòa bình Minsk 2014-2015.