Ngày 21/2, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu cách chức quyền Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko vì sử dụng "bạo lực" nhằm vào người biểu tình trong làn sóng bất ổn trên đường phố ở thủ đô Kiev. Đây được xem như một chiến thắng của phong trào biểu tình. Quốc hội Ukraine cũng nhất trí ủng hộ lệnh ân xá vô điều kiện toàn bộ những bị bắt giữ hoặc có khả năng bị truy tố liên quan đến cuộc biểu tình. Đây là một phần của thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, được Tổng thống Viktor Yanukovich và các lãnh đạo đối lập ký kết nhằm chấm dứt khủng hoảng.
Người biểu tình bạo động phóng hỏa trong cuộc tấn công cảnh sát tại Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phản ứng trước động thái trên, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton cho biết tương lai của Ukraine sẽ mang tính thách thức cao và phụ thuộc vào hiệu quả thực thi thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập. Bà Ashton cũng nói rằng khả năng EU nới lỏng trừng phạt Ukraine sẽ phụ thuộc vào thông tin do các ngoại trưởng của EU hiện đang có mặt tại Ukraine cung cấp.
Phản ứng của quốc tế về thỏa thuận giữa Chính phủ Ukraine và phe đối lập Cùng ngày, Nhà Trắng đã hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được tại Ukraine nhằm chấm dứt các cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng chính phủ và người biểu tình ở quốc gia Đông Âu này, song nói rằng Mỹ vẫn sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu cần. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ: "Giờ cần tập trung vào việc thực thi thỏa thuận, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận tại Ukraine. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 21/2 cũng hoan nghênh thỏa thuận trên và hối thúc tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận, tránh tái diễn bạo lực và nỗ lực vì tương lai Ukraine.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton về thỏa thuận hòa bình Ukraine, đồng thời hối thúc EU lên án "những phần tử cực đoan" chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực.
Trong khi đó, phái viên Vladimir Lukin do Tổng thống Nga Vladimir Putin cử đến Kiev nói rằng các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã có tiến triển, nhưng Moskva vẫn có những ngờ vực về thỏa thuận hòa bình do EU làm trung gian và xác nhận ông vẫn chưa ký thỏa thuận này.
TN