Theo đài RT, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, ông Zelensky chỉ ra rằng vào năm 1994, Ukraine đã tham gia Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh. Ông Zelensky nói rằng động thái này có thể bị đảo ngược nếu bị đe dọa.
Ông Zelensky nói: “Ngày nay chúng tôi không có vũ khí và an ninh. Chúng tôi đã mất một phần lãnh thổ, phần lãnh thổ lớn hơn về diện tích so với Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ. Và, quan trọng nhất, chúng tôi đã mất hàng triệu công dân”.
Ông cũng nói rằng Ukraine đã 3 lần tìm cách tham vấn với các quốc gia bảo lãnh của Bản ghi nhớ Budapest để nỗ lực rà soát các điều khoản nhưng không thành công. Ông nói; “Hôm nay, Ukraine sẽ làm điều đó lần thứ tư”, và nhấn mạnh rằng ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba yêu cầu tham vấn nhưng đó sẽ là nỗ lực cuối cùng từ phía Ukraine.
Ông Zelensky nói: “Nếu cuộc tham vấn không diễn ra hoặc không có quyết định cụ thể liên quan đến đảm bảo an ninh cho chúng tôi, Ukraine sẽ có mọi quyền để tin rằng Biên bản ghi nhớ Budapest không có tác dụng và nghi ngờ tất cả các quyết định trong gói đó năm 1994”.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng “chỉ trích tập thể” của các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn chưa biến thành “các hành động tập thể”.
Trả lời các câu hỏi sau bài phát biểu, ông Zelensky nói rằng ông không đồng ý với nhà lãnh đạo của một quốc gia lớn về vấn đề trừng phạt Nga. Ông giải thích: “Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt khi chúng tôi đã bị bắn, khi biên giới biến mất, khi đất nước của chúng tôi đã bị chiếm đóng. Sau cùng các biện pháp trừng phạt này có lợi gì cho chúng tôi?”
Ngày 18/2, chính quyền của hai khu vực đòi độc lập ở miền đông Ukraine tuyên bố rằng chính quyền Ukraine đã lên kế hoạch tấn công quân sự vào khu vực này. Các quan chức Ukraine cũng đã bác bỏ những tuyên bố này.
Tổng thống Zelensky khẳng định rằng các thỏa thuận Minsk không mang lại lợi ích cho Ukraine. Thay vào đó, ông Zelensky muốn thấy một văn bản mới, do các cường quốc, bao gồm cả Nga và Mỹ, ký kết và trong đó có một số điều khoản về đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Cũng trong Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận với nhà lãnh đạo Nga nhằm tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Tổng thống Zelensky cho biết ông đề xuất cuộc gặp này đồng thời nhấn mạnh Kiev mong muốn một giải pháp ngoại giao thay vì xung đột quân sự cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Ukraine kêu gọi các nước ủng hộ Ukraine nhiều hơn nữa. Ông cũng bác bỏ hành động pháo kích từ Ukraine vào lãnh thổ Nga và kêu gọi NATO đặt ra một khung thời gian rõ ràng để Ukraine có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhấn mạnh NATO nên thành thật về việc liệu Ukraine có thể trở thành thành viên tổ chức này hay không.
Trước đó, tại cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Munich, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cho biết Ukraine đang tìm kiếm hòa bình, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ cụ thể của Mỹ để tăng cường sức mạnh của quân đội nước này.
Về phía Nga, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 19/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh việc phương Tây phớt lờ các yêu cầu an ninh của Moskva không có lợi cho sự ổn định ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov đã nêu rõ rằng tất cả các nước cần tuân thủ các cam kết của mình để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về an ninh và không thể chia cắt. Việc bỏ qua các quyền hợp pháp của Nga trong khu vực này ảnh hưởng xấu đến sự ổn định không chỉ ở lục địa châu Âu mà còn trên thế giới.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Bên lề Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung về vấn đề Nga-Ukraine, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này.
Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Anh công bố, Ngoại trưởng các nước này đã kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này ngày 18/2 thông báo bắt đầu rút thêm xe tăng và các xe bọc thép khác ra khỏi các khu vực gần biên giới với Ukraine. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các đơn vị xe tăng của Quân khu miền Tây đã quay trở về căn cứ thường trực tại tỉnh Nizhny Novgorod sau khi hoàn thành các bài tập theo kế hoạch. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết 10 máy bay chiến đấu đã rút khỏi Bán đảo Crimea.
Trước đó, ngày 16/2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các cuộc tập trận tại Bán đảo Crimea đã kết thúc và các binh sĩ đang quay trở lại các đơn vị đồn trú. Thông báo cho biết các đơn vị của Quân khu miền Nam đang di chuyển về các điểm đóng quân thường trực sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia các cuộc tập trận chiến thuật định kỳ.