Ukraine cho binh lính tại Crimea sử dụng vũ khí tự vệ

Ngày 18/3, Cơ quan báo chí của Tổng thống tạm quyền Ukraine tuyên bố Kiev đã ra lệnh cho phép binh sĩ nước này tại bán đảo Crimea (Crưm) được sử dụng vũ khí để tự vệ sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine tại Crimea, khiến một binh sỹ thiệt mạng.

Tới nay, các lực lượng triển khai trên bán đảo Crimea được khuyến cáo tránh sử dụng vũ khí trước các vụ tấn công. Tuy nhiên, một chỉ thị từ Bộ Quốc phòng Ukraine đưa ra sau vụ việc trên nêu rõ: “Liên quan tới cái chết của một quân nhân Ukraine, các binh sỹ nước này tại Crimea được sử dụng vũ khí để tự vệ”.

Binh sĩ Ukraine tuần tra bên ngoài căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thủ phủ Simferopol, CH Crimea ngày 17/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trước đó, trong cuộc họp khẩn của chính phủ, ông Yatsenyuk nhận định rằng cuộc xung đột của nước này với Nga hiện đã bước sang “giai đoạn quân sự”. Ông đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tổ chức họp khẩn cấp với các lãnh đạo đồng cấp của Nga, Anh và Mỹ.

Moskva hiện chưa bình luận về cáo buộc nói trên.

Theo người phát ngôn quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov, sau vụ tấn công vào một căn cứ quân sự ở thủ phủ Simferopol của Crimea, 1 quân nhân nước này đã thiệt mạng và một đại úy đã bị thương. Người phát ngôn lưu ý hiện vẫn chưa rõ lực lượng tiến hành cuộc tấn công trên, song miêu tả những kẻ tấn công “được trang bị tận răng và che mặt”.

Phản ứng của LHQ, Phương Tây về việc Nga sáp nhập Crimea

Ngày 18/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước hành động sáp nhập Crimea của Nga, đồng thời lên tiếng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong một thông cáo chung cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định Liên minh châu Âu (EU) “sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea”. Theo các nguồn tin ngoại giao, Chủ tịch Rompuy cũng đã hủy chuyến thăm bí mật Nga trong ngày 19/3 để gặp Tổng thống Vladimir Putin với lý do phía Moskva đã công khai chuyến thăm này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã lên án nỗ lực của Tổng thống Nga Putin nhằm chính thức sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea của Ukraine và tuyên bố sẽ không công nhận động thái này.

Trong khi đó, điện đàm với người đồng cấp Mỹ Kerry tối cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Moskva liên quan tới vấn đề Crimea là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và lưu ý rằng động thái này sẽ gây ra hậu quả. Tuy nhiên, ông Lavrov không đề cập chi tiết về các bước đáp trả mà Moskva có thể áp dụng.

Đức: Nga vẫn là thành viên G8

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 18/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Liên bang Nga vẫn là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8). Thủ tướng Đức cho rằng tình hình hiện nay là tạm ngừng công tác chuẩn bị của các quốc gia Phương Tây trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới. Bà Merkel nhấn mạnh: “Ngoại trừ động thái này, hiện vẫn chưa có thêm quyết định nào”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini cũng nhấn mạnh rằng “cơ cấu của G-8 không bị phá bỏ”. Bà Mogherini cũng cho hay một lựa chọn đang được thảo luận nhằm cử “một phái đoàn lớn của Cơ quan An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với hàng trăm quan sát viên”.


T.N (Theo AFP/Itar-tass)
Thủ tướng Ukraine đề xuất giảm căng thẳng với Nga
Thủ tướng Ukraine đề xuất giảm căng thẳng với Nga

Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk có lời tuyên bố gửi các tỉnh miền Nam và Đông đất nước, trong đó cam kết Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, duy trì quy chế ngôn ngữ quốc gia cho tiếng Nga và tăng quyền cho các khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN