Tờ Business Insider dẫn lời nhà phân tích Frederik Mertens tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, tin rằng bằng cách nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea, đặc biệt là các hệ thống phòng không trên mặt đất của quân đội Liên bang Nga, Ukraine đang "chuẩn bị nền tảng" cho các cuộc tấn công đường không trong tương lai sau khi các chiến đấu cơ F-16 xuất hiện trên chiến trường.
Theo chuyên gia Mertens, Crimea là mục tiêu rất dễ bị tổn thương vì ở đây, người Nga có không gian cơ động tương đối hạn hẹp. Vì vậy, nếu một số lượng nhất định máy bay chiến đấu muốn tạo ra tác động thực sự thì đó là ở vùng trời phía trên Biển Đen và vùng trời này hoàn toàn có thể tiếp cận được sau khi các phòng không trên mặt đất mà quân đội Liên bang Nga bố trí ở bán đảo Crimea được giải quyết.
Đánh giá về tầm quan trọng của Crimra, nhà nghiên cứu cấp cao Maria Snegovaya tại Chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng “Moskva không thể để mất Crimea" vì điều đó sẽ cho phép Kiev sử dụng "mối đe dọa đối với tình trạng của Crimea" làm quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Chuyên gia Elina Beketova tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, tin rằng nếu Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát Biển Đen và giành lại bán đảo Crimea hoặc gây áp lực đủ lớn lên các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga để tạo ra mối đe dọa với Moskva thì “điều đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh”.
Xem video vụ tấn công vào sân bay Dzhankoi ở Crimea đêm 16, rạng sáng 17/4/2024 do Lực lượng Vũ trang Ukraine tiến hành, được công bố trên tài khoản mạng xã hội X của Bộ Quốc phòng Ukraine. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine/X
Vậy trên chiến trường, điều gì đã xảy ra?
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist, đăng tải vào ngày 1/1/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi đi thông điệp: bán đảo Crimea và cuộc chiến ở Biển Đen sẽ trở thành trọng tâm của cuộc xung đột giữa nước này với Liên bang Nga.
Theo ông Zelensky, việc cô lập Crimea và làm suy giảm khả năng quân sự của Moskva "là điều cực kỳ quan trọng" với Ukraine và đó là cách để Kiev giảm số lượng các cuộc tấn công của các lực lượng Liên bang Nga từ Crimea.
Khi xung đột nổ ra, lực lượng hải quân nhỏ bé của Ukraine nhanh chóng tê liệt và gần như bị xóa sổ bởi sự đánh phá của các lực lượng Liên bang Nga, mất toàn bộ tàu mặt nước, từ tàu vận tải cho đến tàu tuần tra.
Trong bối cảnh như vậy, Ukraine chủ yếu sử dụng phương tiện không người lái dưới nước (SUV), tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái (UAV) để tiến hành các cuộc tấn công phối hợp, đạt hiệu quả rất cao, khiến Hạm đội Biển Đen của Nga bị xé nát.
Xem video SUV Ukraine tấn công tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Ivanovets của Hạm đội Biển Đen ở Crimea đêm 1/2/2024. Nguồn: Tình báo Quốc phòng Ukraine/X
Ngày 6/2/2024, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên bang Nga có tổng cộng 74 tàu chiến khi bắt đầu cuộc xung đột, nhưng cũng từ đó tới khi tuyên bố được đưa ra, quân đội Ukraine đã vô hiệu hóa 24 tàu mặt nước và một tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen.
Sau đó nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở (OSINT) MT Anderson đã đăng lên mạng xã hội X ảnh vệ tinh của Planet Labs được chụp vào ngày 6/4/2024 cho thấy 3 căn cứ hải quân quan trọng của Nga ở Biển Đen gồm Sevastopol và Feodosia ở Crimea, và Novorossiysk ở vùng Krasnodar Krai của Nga.
Những hình ảnh này dường như xác nhận các báo cáo trước đây rằng Hạm đội Biển Đen đã rút các tài sản có giá trị nhất của mình ra khỏi Crimea sau nhiều cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái và tên lửa hành trình của Ukraine.
Các cuộc tấn công đồng thời cho phép Ukraine nối lại nguồn cung cấp ngũ cốc trên Biển Đen, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này.
Mấy tuần lại đây, Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công thành công vào Crimea, phá hủy một số khẩu đội phòng không của Nga và tấn công căn cứ không quân Belbek gần Sevastopol.
Chuyên gia Elina Beketovacho rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea thành công nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện có hệ thống cũng như nhờ vào sự trợ giúp từ lực lượng vệ tinh, trinh sát đường không của các đồng minh NATO.