Ukraine đối mặt với 'trái đắng hậu Crimea'

Ukraine hiện đang phải căng mình đối phó với những khó khăn trước mắt “thời hậu Crimea sáp nhập vào Nga”.

Bán đảo Crimea (Crưm) đã chính thức tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Nhưng Ukraine vẫn ôm ấp giấc mộng lấy lại Crimea, thậm chí, Quốc hội nước này còn thông qua nghị quyết tuyên bố sẽ “không ngừng đấu tranh để giải phóng Crimea”.

Nhưng liệu điều đó có trở thành sự thật khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quân đội sẽ không can dự vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine bởi Mỹ không muốn gây nên một cuộc chiến thực sự với Nga.

Những người ủng hộ Nga tuần hành tại thành phố Odessa, kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý, ngày 23/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Đành rằng, thay vì sử dụng vũ lực, Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ đưa ra thêm biện pháp chế tài mạnh hơn đối với Nga, nhưng vẫn khó có thể đảo ngược thực tế là Crimea đã trở thành một bộ phận lãnh thổ của Nga.

Theo tờ “Thái Dương” của Hong Kong (Trung Quốc) ngày 24/3, người Ukraine hiện nay bắt đầu hối hận và có cảm giác mình đã mắc bẫy phương Tây.

Sau những rối ren, căng thẳng và hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi, rốt cuộc, người Ukraine phát hiện họ không được gì cả trong khi đất nước bị chia cắt.

Có thể nói, trong sự kiện này, người Ukraine đã phải trả giá đắt cho cái gọi là “đấu tranh tự do dân chủ”. Phiền toái hơn nữa là những ngày đau khổ của Ukraine vẫn chưa kết thúc. Việc Crimea tách khỏi Ukraine rất có thể chỉ là điểm khởi đầu bởi những khó khăn mà Ukraine sắp phải đối mặt không hề nhỏ.

Trước tiên là về mặt kinh tế. Sau khi Liên Xô giải thể, Ukraine vốn là nước có nền tảng kinh tế tốt nhất trong số các nước Đông Âu trừ Nga. Tuy nhiên, do tình hình chính trường nước này luôn trong tình trạng rối ren, các chính trị gia mải lo đấu đá, tranh quyền đoạt lợi cho nên chính phủ về căn bản không thể tập trung tinh lực phát triển kinh tế, khiến kinh tế mỗi ngày một tuột dốc. Kinh tế đi xuống càng khiến chính trị rối ren, hình thành mớ bòng bong không dễ thoát khỏi. Trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine, cam kết của phe đối lập chính là sau này nhận được sự viện trợ, giúp đỡ của Âu-Mỹ.

Tuy Âu-Mỹ có trợ giúp Ukraine, nhưng vẫn không thể nào đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện nay của Ukraine. Theo báo “Thái Dương”, Mỹ vốn dĩ không định can dự vào vấn đề Ukraine quá nhiều, mà chỉ muốn "đục nước béo cò", thừa cơ Ukraine loạn lạc, kéo Ukraine về phía mình, nếu không được thì cũng không có ý định đối kháng tới cùng với Nga.

Cho nên, từ nay về sau, Mỹ tuy tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng chỉ mang tính tượng trưng, cái gọi là “viện trợ kinh tế quy mô lớn” chỉ là bánh vẽ đưa ra cho dịu cơn đói. Mỹ đã như vậy, Ukraine càng khó trông đợi ở Liên minh châu Âu (EU) bởi với tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, EU về văn bản không thể dành cho Ukraine những khoản viện trợ lớn.

Trong khi đó, kinh tế Ukraine lại lệ thuộc rất nhiều vào Nga, thậm chí còn lớn hơn là vào EU. Ngoài việc xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa sang thị trường Nga, Ukraine còn hoàn toàn lệ thuộc vào Nga về năng lượng. Mấy năm lại đây, Nga bán năng lượng cho Ukraine với giá rất thấp, nhưng sau cuộc đấu ở Crimea, Nga chắc chắn sẽ trừng phạt Ukraine. Chỉ cần Nga nâng giá năng lượng bán cho Ukraine và mức thuế suất nhằm vào hàng hóa của Ukraine, nền kinh tế Ukraine rất có thể sẽ lâm vào tình trạng tê liệt.

Ngoài vấn đề kinh tế, Ukraine còn phải đối mặt với những rối ren không ngừng trong nội bộ. Những diễn biến ở Ukraine mà Tổng thống Nga V. Putin gọi là “đảo chính vi hiến” đã khiến chính trường Ukraine bị chia rẽ, đất nước Ukraine bị chia cắt, quan hệ giữa miền Đông và miền Tây Ukraine như nước với lửa.

Crimea sáp nhập vào Nga có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, khiến khu vực miền Đông thân Nga có động lực học tập tiền lệ Crimea, yêu cầu độc lập và sáp nhập vào Nga. Vì lẽ đó, Ukraine có thể sẽ tiếp tục bị chia cắt. Đây là kết cục khó có thể chấp nhận, nhưng cũng có thể là “chẳng biết làm gì để vãn hồi” đối với người dân Ukraine.

Với vị trí địa lý đặc biệt, Ukraine vốn dĩ có thể ve vãn được cả Nga và phương Tây, nhưng nay lại rơi vào tình cảnh này quả thực là bài học đáng phải ngẫm nghĩ.


Huyền Linh


Át chủ bài của Nga trong 'cuộc chiến' với EU, Ukraine
Át chủ bài của Nga trong 'cuộc chiến' với EU, Ukraine

Nhu cầu về khí đốt của Nga từ các nước bên ngoài khối cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã tăng mạnh trong tuần qua khiến các chuyên gia hàng đầu suy đoán rằng các nhà cung cấp đang tích trữ trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN