Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình BBC tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov ngày 22/1 đại diện cho Chính phủ nước này tuyên bố Chính quyền Ukraine chủ trương đối thoại xây dựng với phe đối lập nhằm chấm dứt đối đầu, tuy nhiên không chấp nhận tối hậu thư. Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại trung tâm thủ đô Kiev. Ảnh AFP/TTXVN |
Thủ tướng Azarov yêu cầu ông Vitaly Klitschko, một trong những nhà lãnh đạo phe đối lập Ukraine, không đưa ra những tuyên bố hay yêu sách mang tính tối hậu thư. Ông Azarrov nhấn mạnh yêu sách đòi Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovic từ chức trước thời hạn là không thể chấp nhận được vì ông Yanukovic đã được bầu ra một cách dân chủ và nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri.
Thủ tướng Azarov khẳng định chính quyền sẵn sàng đối thoại với phe đối lập vì lợi ích quốc gia, tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập cần hiểu rằng họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng để xảy ra đổ máu. Ông Azarov cho biết cảnh sát được lệnh không sử dụng vũ lực chống người biểu tình hòa bình, nhưng phải sẵn sàng chặn đứng mọi mưu toan sử dụng vũ lực nhằm chiếm đóng các cơ quan chính quyền.
Thủ tướng Azarov đã đưa ra tuyên bố trên đây sau khi ông Klitschko trong phát biểu trước những người biểu tình của phe đối lập tại Quảng trường Độc lập ngày 22/1 đã kêu gọi Tổng thống Yanukovic tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống trước thời hạn với lời đe dọa "Nếu Tổng thống không làm thì nhân dân sẽ làm".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/1, ông Oleg Tyagniboc, thủ lĩnh Đảng Tự do đối lập thông báo các nghị sĩ thuộc các chính đảng đối lập Ukraine đã thành lập một cơ quan thay thế Quốc hội gọi là Rada (Quốc hội) nhân dân. Ông Tyagniboc tuyên bố đây sẽ là cơ quan lập pháp hợp pháp duy nhất đại diện cho nhân dân.
Ông cho biết phe đối lập Ukraine cũng sẽ thành lập ủy ban bầu cử nhân dân và cáo buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong khi đó, thành viên Ủy ban đặc biệt về giải quyết khủng hoảng, Bộ trưởng Tư pháp Elena Lukash phát biểu sau cuộc đàm phán giữa Tổng thống Yanukovic và lãnh đạo phe đối lập ngày 22/1 cho biết cuộc đàm phán giữa chính quyền và phe đối lập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn tiếp tục và dự kiến diễn ra ngày 23/1.
Tình hình tại thủ đô Kiev vẫn phức tạp do phe đối lập tiếp tục huy động hàng nghìn người ủng hộ xuống đường biểu tình và tuần hành, thậm chí xung đột với cảnh sát và có những hành động bạo lực và kích động khác. Bộ Nội vụ Ukraine ngày 23/1 xác nhận một nhóm kẻ gây rối quá khích đã xông vào trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Kiev đập phá thiết bị.
Để đảm bảo trật tự - trị an tại thủ đô, các đơn vị Nội vụ và cảnh sát đặc nhiệm đã được huy động, đồng thời cảnh sát giao thông chiều 22/1 bắt đầu phong tỏa các đường phố trung tâm Kiev. Đến ngày 23/1, cảnh sát Kiev đã bắt giữ hơn 50 người biểu tình gây rối.
Trong khi đó, ngày 22/1, hàng nghìn người thuộc phong trào "Người Kiev vì một thành phố sạch" đã bao vây tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đòi Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. Cựu Tổng thống Ukraine, ông Leonid Kravchuk khẳng định với tạp chí Forbs của Mỹ xuất bản bằng tiếng Ukraine số ra ngày 22/1 rằng các nước phương Tây không hiểu rõ tình hình Ukraine và những gì đang diễn ra tại Ukraine đều là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp. Ông nhấn mạnh phe đối lập Ukraine phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại thủ đô Kiev.
Phản ứng với tình hình tại Ukraine, ngày 22/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy bỏ thị thực nhập cảnh cấp trước đó cho một số quan chức Ukraine mà Washington cho là "liên quan đến việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình". Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, Chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Didier Burkhalter tuyên bố OSCE sẵn sàng đứng ra làm làm trung gian hòa giải để giúp giải quyết tình hình Ukraine.
TTXVN/Tin tức