Ukraine ký thỏa thuận hợp tác với EU

Cùng với Gruzia và Moldova, Ukraine ngày 27/6 đã ký kết thỏa thuận tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Liên minh châu Âu (EU). Việc Ukraine xích lại gần EU là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng tại quốc gia này.


Hướng tới thành viên EU


Phát biểu tại lễ ký kết có sự tham gia của lãnh đạo ba nước Ukraine, Moldova và Gruzia, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho rằng đây là một ngày tuyệt vời với châu Âu và khẳng định EU đang sát cánh với ba nước hơn bao giờ hết. Ông Rompuy cũng trấn an rằng thỏa thuận này “không có điều gì có thể tổn hại đến Nga và sẽ cho tất cả các bên cơ hội cùng nhau tạo ra một tương lai an toàn hơn”.

 

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và các quan chức EU tại lễ ký kết. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong bài phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định thỏa thuận hợp tác với EU sẽ mở ra cả một tương lai mới cho Ukraine, gồm cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập hồi tháng 3/2014, giúp Ukraine đặt chân vững chắc trên con đường tiến tới làm thành viên EU. Ông Poroshenko một mặt lưu ý rằng Ukraine đã trả một cái giá cao trong những tháng gần đây để trở thành một phần của châu Âu, một mặt khẳng định cái giá đó cũng đáng để trả. Ông Poroshenko cam kết sẽ tận dụng cơ hội này để hiện đại hóa đất nước.


Thỏa thuận trên mở ra cho ba đối tác mới một thị trường EU rộng lớn với 500 triệu dân, được hỗ trợ hiện đại hóa nền kinh tế. Đổi lại, các nước này phải áp dụng tiêu chuẩn của EU về nhân quyền, xã hội dân sự, quản trị và hệ thống tư pháp.


Hồi tháng 11/2013, sau khi Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych hủy ký kết thỏa thuận hợp tác với EU vào phút chót, một làn sóng biểu tình bạo lực đã bùng phát ở những khu vực mà người dân ủng hộ gia nhập EU. Đây chính là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.


Nga: “Ukraine bị chia đôi”


Bất chấp trấn an từ phía EU, từ trước đến nay Nga luôn chỉ trích việc khối này “bắt tay thân mật” với các nước Đông Âu là láng giềng của Nga, coi đây là điều gây tổn hại tới lợi ích kinh tế và phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Phát ngôn viên của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine cho biết ngày 27/6, các thủ lĩnh của lực lượng này và những nhà trung gian hòa giải của chính quyền Kiev đã tiến hành hòa đàm nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh ở miền đông.


Ngay sau lễ ký kết mà Ukraine coi là “lịch sử”, Nga đã có những phản ứng đầu tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng xã hội Ukraine đã bị chia đôi. Ông nói: “Cuộc đảo chính vi hiến ở Kiev, nỗ lực áp đặt một lựa chọn giả tạo giữa châu Âu và Nga đã đẩy xã hội Ukraine đến chỗ bị chia tách, đến tình cảnh đối đầu nội bộ đau đớn”.


Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin ngày 27/6 đã nói với hãng thông tấn Interfax rằng: “Việc Ukraine và Moldova ký kết thỏa thuận trên chắc chắn sẽ có hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng ký kết một văn bản quan trọng như vậy là quyền chủ quyền của mỗi quốc gia.


Về tình hình Ukraine, một nguồn tin ngoại giao châu Âu ngày 27/6 cho biết Tổng thống Poroshenko đã thông báo với lãnh đạo 28 nước EU về khả năng kéo dài lệnh ngừng bắn tại miền đông nam Ukraine thêm 3 ngày. Việc này sẽ được quyết định vào cuối ngày 27/6, khi ông trở về Ukraine để tham vấn với Chính phủ và giới quân sự. Đây cũng là thời điểm lệnh ngừng bắn một tuần kết thúc.


Trước thông tin này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva hoan nghênh việc gia hạn lệnh ngừng bắn và hy vọng các cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính quyền Kiev và miền đông nam sẽ đưa tới những thỏa thuận bền vững hơn.


Kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, EU đã đưa cho Nga thời hạn 3 ngày, đến 30/6, để thông qua các "biện pháp cụ thể giảm căng thẳng" tại Ukraine, nếu không sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva.

 

Thùy Dương

Nga tìm cách đối phó thỏa thuận liên kết Ukraine-EU
Nga tìm cách đối phó thỏa thuận liên kết Ukraine-EU

Nga sẽ áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế nếu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thỏa thuận liên kết mới do Ukraine, Gruzia và Moldova ký kết với Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN