Với cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực, nhiều khả năng ba quốc trên có thể sớm nộp đơn xin kết nạp. Tuy vậy, tờ báo kinh tế Kommersant của Nga nhận định triển vọng gia nhập EU của họ vẫn còn khá mờ mịt.
Một nguồn tin từ các cơ quan chính phủ của Moldova nói với báo Kommersant rằng đơn đăng ký ứng cử viên gồm nhiều câu hỏi khác nhau. "Có các tiêu chí chính trị và kinh tế. Phần chính trị bao gồm lĩnh vực tư pháp, quản lý công và nhân quyền, còn phần kinh tế bao gồm tài chính, kinh tế vĩ mô, lĩnh vực ngân hàng và các vấn đề ngân sách", nhân vật này nêu rõ.
Phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu châu Âu của Đại học St.Petersburg, bà Tatyana Romanova lưu ý: "Một thỏa thuận liên hợp và quá trình gia nhập thường có những nghĩa vụ giống nhau, trong đó có sự hội tụ luật pháp của đối tác EU với các quy tắc của liên minh. Thêm nữa, thỏa thuận gia nhập còn làm cho quá trình thay đổi lập pháp trở nên khó khăn hơn".
Chuyên gia Romanova cho biết: “Quá trình này khá khó khăn và câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có đủ năng lực thể chế để thực hiện vào thời điểm này hay không”. Theo bà, Brussels thích tổ chức các cuộc đàm phán với một nhóm quốc gia để so sánh họ và khiến họ cạnh tranh với nhau.
Tháng 10/2021, tại hội nghị thượng đỉnh ở Slovenia, các lãnh đạo EU đã tái khẳng định cam kết về tiến trình mở rộng khối nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể, gây thất vọng cho 6 ứng cử viên gồm các nước và vùng lãnh thổ là Albania, Bosnia, Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia và Kosovo.
EU hiện bao gồm hơn 20 nước thành viên: Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Ireland, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Cyprus, Bulgaria, Romania, Croatia.