Ukraine muốn giải quyết xung đột với Nga trong hòa bình

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Deshchytsia ngày 5/3 tuyên bố ông muốn thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng với Nga.

Người dân biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người Nga ở bán đảo Crưm và đông Ukraine ở thành phố "Rostov trên sông Đông" ngày 4/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Tới thủ đô Paris của Pháp để tham dự các cuộc đàm phán quốc tế về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Deshchytsia nêu rõ: "Chúng tôi muốn duy trì đối thoại hữu ích và quan hệ tốt đẹp với người dân Nga. Chúng tôi muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình và không muốn chiến tranh với người Nga".

Cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Ukraine, Arseny Yatseniuk cho rằng việc Nga triển khai các lực lượng ở khu vực Crưm (Crimea) gây ảnh hưởng "vô cùng tiêu cực" tới nền kinh tế của Ukraine.

Phát biểu khai mạc một cuộc họp chính phủ, Thủ tướng tạm quyền Yatseniuk cho rằng tình hình ở Ukraine vẫn còn khó khăn do lực lượng Nga đang kiểm soát bán đảo Crưm bên bờ Biển Đen. Ông nói: "Sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ của Ukraine gây ảnh hưởng vô cùng tiêu cực cho nền kinh tế của đất nước".

Chính phủ mới của Ukraine đang đàm phán về Quỹ Tiền tệ Quốc tế về hỗ trợ tài chính nhằm tránh tình trạng phá sản.

Cũng trong ngày 5/3, hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin quân sự cho biết các lực lượng Nga đã chiếm 2 tiểu đoàn phòng thủ tên lửa của Ukraine tại khu vực Crưm. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine chưa xác nhận về thông tin này.

* Trong khi đó, tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 5/3 Nga tuyên bố sẽ quyết tâm ngăn chặn đổ máu ở Ukraine, bao gồm việc ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào công dân Nga.

Trả lời một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không cho phép đổ máu. Chúng tôi sẽ không cho phép các nỗ lực đe dọa tính mạng và hạnh phúc của những người sinh sống ở Ukraine, cũng như của công dân Nga đang sống tại Ukraine".

Ông Lavrov nêu rõ Nga không thể ra lệnh cho các nhóm vũ trang thân Nga tại khu vực Crưm quay lại căn cứ của họ vì đó là các lực lượng "phòng vệ" và không chịu sự điều khiển của Moskva. Ông tái khẳng định nhóm vũ trang được triển khai ở Crưm không phải là các lực lượng của Nga. Các nhân viên Hải quân Nga đang ở những vị trí thông thường và chính quyền khu tự trị Crưm và chính quyền Kiev phải chấp nhận để các giám sát viên quốc tế tiếp cận.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin ngoại giao ngày 5/3 cho biết 15 quốc gia thành viên Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhất trí cử các quan sát viên quân sự tới Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ chi tiết về số người sẽ tham gia phái bộ, cũng như thời gian bắt đầu thực thi sứ mệnh và địa điểm triển khai.

Các quan sát viên quân sự không trang bị vũ khí và có nhiệm vụ tìm hiểu thực tế về các vấn đề quân sự và báo cáo về cho các quốc gia thành viên OSCE tham gia. Theo quy định của OSCE, mỗi nước thành viên được phép cử 2 quan sát viên quân sự, đồng nghĩa với việc phái bộ này sẽ có tổng cộng 30 người.


T.N (Theo AFP/Reuters)

Nga: Thỏa thuận 21/2 phải là cơ sở cho hòa bình tại Ukraine
Nga: Thỏa thuận 21/2 phải là cơ sở cho hòa bình tại Ukraine

Tại cuộc gặp bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu rõ thỏa thuận do EU làm trung gian ký hôm 21/2 cần được coi là cơ sở để bình ổn tình hình tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN