Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn giấu tên từ những người nắm được vấn đề cho biết khuyến nghị nói trên sẽ đi kèm với các điều kiện liên quan đến pháp quyền, luật chống tham nhũng, và cần được tranh luận và thông qua.
Khuyến nghị về tư cách ứng viên nếu được đưa ra sẽ là một thời điểm quan trọng đối với Ukraine, quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào tương lai chính trị của mình cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu. Nhưng hiện chưa có con đường nào để đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên và Ukraine vẫn cần vượt qua sự phản đối của các quốc gia không ủng hộ mở rộng khối.
Ý kiến cuối cùng của Ủy ban châu Âu, ngay cả khi tích cực, sẽ cần sự chấp thuận của các quốc gia thành viên trước khi Ukraine chính thức được cấp quy chế.
Dự kiến các nhà lãnh đạo Liên minh sẽ thảo luận về vấn đề này tại Brussels vào ngày 23-24/6 và một số quốc gia cho biết họ phản đối động thái này, đồng thời cho rằng Ukraine không thể được ưu tiên hơn những quốc gia khác đang nộp đơn. Quá trình trở thành thành viên bao gồm một loạt các bước và điều kiện ngặt nghèo, thông thường có thể kéo dài hơn một thập kỷ.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky chính thức nộp đơn gia nhập EU vào cuối tháng 2 và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã chuyển một bảng câu hỏi về tư cách thành viên cho nhà lãnh đạo Ukraine khi bà đến thăm Kiev vào tháng 4. Bà Von der Leyen đã nhiều lần nói rằng Ukraine thuộc gia đình châu Âu.
Một số quốc gia thành viên EU, trong đó có Hà Lan, cho đến nay vẫn phản đối đơn xin gia nhập của Ukraine, trong khi đa số các nước ủng hộ.
Theo quan chức quen thuộc với các cuộc đàm phán, các quốc gia bao gồm Ba Lan, Lithuania (Litva) và Ireland đã phát biểu tại một cuộc họp của các đại sứ EU hôm 8/6 rằng họ muốn các nhà lãnh đạo EU quyết định về một kết quả rõ ràng và cấp tư cách ứng viên. Estonia nhấn mạnh cần phải trao hy vọng cho Ukraine.
Các quan chức được Bloomberg dẫn nguồn cho biết kết quả của các cuộc đàm phán có thể là tình trạng ứng cử viên có điều kiện của Ukraine.
Trong một công hàm mà Bloomberg nắm được, Đan Mạch nói rằng Ukraine không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí liên quan đến sự ổn định của các thể chế bảo đảm dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, tôn trọng và bảo vệ người thiểu số. Kiev sẽ cần “cải thiện cơ bản khuôn khổ lập pháp và thể chế của mình” để đạt được tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực này.
Copenhagen nhìn nhận Ukraine “nói chung đang ở giai đoạn rất sớm” trong tiến trình chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các nghĩa vụ của tư cách thành viên EU và thiết lập một nền kinh tế thị trường hiệu quả.
Ukraine đứng thứ 122 / 180 quốc gia trong bảng xếp hạng năm ngoái của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Người Ukraine đã xuống đường hai lần, vào năm 2004 và năm 2014, trong nỗ lực yêu cầu chính phủ phải diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng. Sự ủng hộ của những người Ukraine gia nhập EU đã tăng lên 91% trong một cuộc khảo sát vào tháng 3 của Rating Group, từ mức 61% vào tháng 12/2021.
Nếu được cấp tư cách ứng cử viên, đây sẽ là bước chính thức bắt đầu thủ tục trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu. Croatia là quốc gia gần đây nhất gia nhập khối và quá trình đó của họ kéo dài 10 năm trước khi chính thức được chấp nhận vào 2013.