Theo tờ Pravda châu Âu (Ukraine) ngày 8/7, Ukraine đã phản ứng về thông tin liên quan đến cuộc gặp bí mật giữa các cựu quan chức Mỹ và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, lo ngại rằng điều này có thể cho thấy sự suy giảm hỗ trợ của Washington với Kiev.
NBC News hôm 6/7 đưa tin rằng các cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ đã có nhiều cuộc đàm phán bí mật với những người Nga nổi tiếng thân cận với Điện Kremlin, bao gồm cả Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Chính quyền Biden cũng biết điều này nhưng không can thiệp nhằm mở đường cho các biện pháp ngoại giao trong tương lai nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Một quan chức Ukraine phản ứng về thông tin trên nói rằng Kiev đang “theo dõi chặt chẽ bình luận liên quan đến cuộc họp bí mật”, cũng như các thông tin rằng “những cuộc tham vấn hậu trường tương tự giữa Mỹ và Nga đã diễn ra ở những nơi khác trên thế giới”.
“Xét đến bối cảnh các thông tin này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, câu hỏi đặt ra là liệu quan điểm cứng rắn của Washington liên quan đến việc mời Ukraine gia nhập NATO có liên quan gì đến các cuộc tham vấn hậu trường này hay không”, quan chức Ukraine trên cho biết trong một tuyên bố thay mặt cho Chính phủ Ukraine.
Tuần tới, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Vilnius, Litva, để dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Bất chấp hy vọng của Kiev về việc gia nhập liên minh, ông Biden đã nói rằng Ukraine sẽ không được bỏ qua quy trình gia nhập của NATO và Tổng thư ký liên minh này cho biết lời mời sẽ không được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, một trong những người tham gia cuộc gặp với ông Lavrov, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở ở Mỹ Richard Haass, đã bảo vệ quyết định gặp nhà ngoại giao Nga trong một bài bình luận đăng ngày 7/7 trên nền tảng xuất bản trực tuyến Substack, gọi những tương tác như vậy là “cơ hội quý giá để duy trì các kênh liên lạc mở vào những thời điểm khi các tương tác chính thức không tồn tại hoặc không hiệu quả và rủi ro cao”.
Ông Haass viết rằng những người tham gia các cuộc đàm phán như vậy, được gọi là ngoại giao "Kênh 2", “thường cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện thẳng thắn và thử nghiệm các ý tưởng hoặc đề xuất mới”. Ông lưu ý thêm rằng “những trao đổi kiểu này có cơ hội hữu ích nhất nếu chúng được giữ bí mật”.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/7 cũng xác nhận rằng ông Lavrov đã gặp các thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ vào tháng 4 nhưng nói rằng không có kế hoạch hòa bình nào cho Ukraine trong chương trình nghị sự, đồng thời khẳng định rằng họ đã thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế rộng lớn hơn.
Sau khi cuộc gặp với ông Lavrov được tiết lộ, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để thành công trên chiến trường để họ có thể đàm phán từ thế mạnh vào thời điểm thích hợp”.