Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên do Tổng thống Zelensky đưa ra khi bình luận về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu với người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh hôm 23/10. Trong cuộc điện đàm này, ông Shoigu đã bày tỏ lo ngại Ukraine có thể sử dụng “bom bẩn” trong cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cho cáo buộc này.
Trong bài phát biểu trực tuyến trên phương tiện truyền thông xã hội, ông Zelensky cũng kêu gọi thế giới phản ứng theo cách cứng rắn nhất có thể trước động thái leo thang căng thẳng mới của Nga.
“Bom bẩn” là loại vũ khí sử dụng thuốc nổ thông thường có tẩm chất phóng xạ. Mặc dù không thể so sánh với đầu đạn hạt nhân về sức tàn phá, nhưng "bom bẩn" có thể phát tán một đám mây bức xạ với bán kính vài km sau khi phát nổ.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng bình luận về các cáo buộc sử dụng bom bẩn của Moskva, cho rằng đây là cáo buộc “vô lý và nguy hiểm”.
“Ukraine là một thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Chúng tôi không có bất kỳ quả bom bẩn nào và cũng không có kế hoạch mua bất kỳ quả bom nào”, Ngoại trưởng Ukraine khẳng định.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh về cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ben Wallace và người đồng cấp Nga Shoigu, Moskva đã cáo buộc Ukraine đang lên kế hoạch cho các hành động được các nước phương Tây, bao gồm Anh, hậu thuẫn để leo thang xung đột ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Wallace đã bác bỏ những tuyên bố này.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga ở Ukraine đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với Moskva, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết về điều này. Song ông cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công như vậy của Nga vẫn ở mức thấp.
Về phần mình, nhiều quan chức Nga đã nhấn mạnh nước này không đe dọa bất kỳ quốc gia nào bằng vũ khí hạt nhân. Điện Kremlin nói rằng vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân. Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.