Phát biểu họp báo tại Ankara, Đại sứ Bodnar nhấn mạnh: “Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị này là đạt được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine”. Ông bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ diễn ra vào cuối năm và cộng đồng quốc tế sẽ cùng với Ukraine lập ra một danh sách các bước có thể thực hiện để đạt được nền hòa bình đó, trước khi đưa ra đề nghị với phía Nga. Cũng theo Đại sứ Bodnar, việc trao đổi với Nga sẽ không được tiến hành trực tiếp mà thông qua các bên thứ ba. Một trong những bên quan trọng có thể đảm nhận vai trò trung gian này là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga.
Trước đó một ngày, cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Daria Zarovna, cho biết hội nghị hòa bình lần thứ hai về giải quyết xung đột ở Ukraine sẽ không diễn ra vào tháng 11 tại Kiev như dự kiến. Hội nghị đầu tiên về Ukraine diễn ra ở Bürgenstock (Thụy Sĩ) trong hai ngày 15 và 16/6 không có sự tham gia của Nga.
Trong khi đó, Nga vẫn nhiều lần khẳng định để ngỏ khả năng đàm phán với Ukraine với điều kiện Kiev phải "chấp nhận tình hình thực tế" về các vùng lãnh thổ ở miền Đông, phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Nga và thiết lập tình trạng không liên kết, không có hạt nhân cho Ukraine.