Ông Arseniy Yatseniuk đã hối thúc lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không “hoảng sợ” trước Nga, cần quyết đoán hơn trong việc mở rộng không gian EU về phía Đông.Bình luận trên của Thủ tướng Ukraine được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh tại Riga (Latvia) giữa lãnh đạo EU với 6 nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô Viết trước đây, nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Đối tác phương Đông” (EaP) của EU. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh xuất hiện luồng dư luận quan ngại về tiến trình hội nhập EU đối với các nước láng giếng phía Đông, sau căng thẳng giữa Moskva và Kiev liên quan đến khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Chính phủ của Thủ tướng Arseniy Yatseniuk đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: AFP |
Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2013, thời điểm mà Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận về Ukraine hội nhập với EU, dẫn đến làn sóng biểu tình “cách mạng Maidan” sau đó, một hội nghị thượng đỉnh như vậy mới lại được tổ chức từ.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Thời báo tài chính), ông Yatseniuk nói rằng, sẽ là không công bằng khi buộc Kiev “tự bơi” trong chương trình cải cách. Ukraine không “xin” tiền từ các nhà tài trợ, nhưng thực sự đang rất khát nguồn vốn đầu tư – có thể là từ các thiết chế tài chính cho vay toàn cầu, cùng với các nhà đầu tư tư nhân. “Hãy hành động quyết đoán và thông minh... Không nên lo ngại việc mở rộng. Không gian càng lớn, chúng ta càng mạnh, càng thành công hơn, với nhiều cơ hội hơn cho tất cả các nước”, ông Yatseniuk phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU tại Riga.
Ukraine, Gruzia và Moldova – ba nước đã ký thỏa thuận hội nhập chính trị và tự do thương mại với EU hồi năm ngoái, mong muốn nhận được sự công nhận rõ ràng về việc sớm được kết nạp vào liên minh. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước EU sẽ trì hoãn đưa ra một tuyên bố như vậy, sau những bất đồng về ngôn từ, cách diễn đạt trong tài liệu dự thảo trình ra Hội nghị thượng đỉnh Riga. Bày tỏ sự thấu hiểu trước những “chần chừ” của EU cũng như “sự cần thiết” của việc đối thoại với Nga, nhưng ông Yatseniuk cũng cảnh báo về khả năng EU chia rẽ trước đối sách với Nga.
Chính phủ Ukraine đang phải “căng mình” trên nhiều mặt trận. GDP giảm 17,6% trong quý 1 năm 2015, tỉ lệ lạm phát phi mã, sự ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền sụt giảm. Ngay tại thời điểm ông Yatseniuk phát biểu ở Riga, một cuộc biểu tình đã nổ ra bên ngoài trụ sở Quốc hội tại Kiev, liền sau đó là đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát.
Cùng lúc, Ukraine chật vật tìm kiếm thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về đề án tái cấu trúc khoản nợ lên đến 23 tỉ USD. Thủ tướng Ukraine cảnh báo, chính phủ của ông sẵn sàng sử dụng quyền được Quốc hội trao ngay trong tuần này để áp đặt luật “hoãn trả nợ” nếu như không đạt được thỏa thuận về tái cơ cấu nợ nước ngoài. Ông Yatseniuk nói rằng các chủ nợ nên có “trách nhiệm đạo đức” giúp Ukraine vượt khó, sau khi đã đổ hàng tỉ USD cho chính quyền cũ và dẫn đến sự thất thoát tiền tỉ. “Họ từng đề nghị cho chính quyền Yanukovych vay 40 tỉ USD, dù thừa biết đây là hành động mạo hiểm. Các chủ nợ (tư nhân) cần phải nhận thấy rằng cũng phải có trách nhiệm”, Thủ tướng Ukraine bày tỏ.
Để tìm kiếm sự hậu thuẫn tài chính từ bên ngoài, ông Yatseniuk không quên ngầm so sánh tình cảnh ở Ukraine với Hy Lạp: “Một đất nước có quy mô dân số chỉ bằng 1/4 Ukraine nhưng đã nhận được gói tài chính 300 tỉ USD, dù chưa phải trải qua những gói cải cách khắc khổ mà Ukraine phải nếm trải, không phải đối đầu với những khó khăn từ Nga. Trong khi đó, Ukraine, nước đang đối mặt với vô vàn thách thức, thì lại chỉ được cam kết 25 tỉ USD. Đó là một sự so sánh”.
Phát biểu của Thủ tướng Ukraine được đưa ra tại thời điểm lãnh đạo 25 nước thành viên EU vẫn chia rẽ về mục tiêu của EaP. Một số nước như Ba Lan, Thụy Điển, các quốc gia Baltic cho rằng EU cần sử dụng đề án này để kiềm tỏa ảnh hưởng của Nga. Trong khi nhiều nước khác, nhất là Đức, thì cho rằng EU nên tránh gây thêm căng thẳng đối với Nga, khi mà Moskva theo đuổi thực thi Thỏa thuận Minsk. “Điều quan trọng là chúng ta cần phải tránh tạo ra những đường chia cắt ở châu lục”, một quan chức ngoại giao EU chia sẻ với tờ Euobserver.
Hoài Thanh (
Theo FT, Euobserver)