Ukraine tiến gần hơn tới đổ vỡ kinh tế

Theo báo "Độc lập" (Nga), hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch vừa đưa ra đánh giá xếp hạng tín dụng dài hạn của Ukraine ở hạng CCC (mức độ đầu cơ trong nền kinh tế rất cao). Dưới tác động của bất ổn tình hình ở miền Đông và xung đột với Nga, khả năng thanh khoản của nền kinh tế Ukraine đang đứng trước một dấu hỏi lớn.

Ngày 22/8, Fitch đã hạ mức tín nhiệm dài hạn tính theo đồng nội tệ của Ukraine từ hạng B xuống hạng CCC và mức tín nhiệm ngắn hạn ở hạng C (có tính đầu cơ cao). Fitch cũng cho biết các nhân tố cơ bản khiến chỉ số xếp hạng tín dụng của Ukraine sụt giảm là các hành động quân sự ở phía Đông và xung đột với Nga. Căn cứ vào hiện trạng, GDP của Ukraine trong năm 2014 sẽ giảm 6,5%, thâm hụt ngân sách sẽ tương đương 10% GDP và nợ nước ngoài có sự đảm bảo của nhà nước sẽ đạt mức trên 65% GDP. Trong khi đó, đồng Grivna của nước này có thể sẽ tiếp tục đà mất giá sau khi đã đánh mất 37% giá trị so với đồng USD trong năm 2013. Các ngân hàng được dự báo cũng sẽ không có đủ nguồn vốn để hoạt động.

Khủng hoảng chính trị không sớm được giải quyết thì việc Ukraine tuyên bố vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian.


Fitch còn đưa ra một thông tin đáng bi quan nữa là do xung đột với Gazprom, Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu ở mức cao. Để đảm bảo nhu cầu sưởi ấm cho người dân vào mùa đông tới, Ukraine phải tích trữ ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt và hạn chế 30% mức tiêu thụ so với trước đây. Fitch dự báo nếu thị trường tài chính tiếp tục suy giảm và mâu thuẫn chính trị với Nga không ngừng leo thang thì Ukraine có khả năng sẽ phải tuyên bố vỡ nợ sau khi không đủ khả năng xử lý các khoản nợ công. Giải pháp duy nhất hiện nay là khắc phục khủng hoảng, khôi phục ổn định chính trị và thỏa thuận với IMF về các cuộc cải cách kinh tế nhằm nhận được sự trợ giúp tài chính để cải thiện tính thanh khoản.

Theo kế hoạch, cuối tuần này IMF sẽ xem xét việc cấp cho Ukraine gói tín dụng thứ hai trị giá 1,4 tỷ USD trong tổng số 17 tỷ USD mà tổ chức tài chính này dự kiến cho Ukraine vay trong giai đoạn 2013-2016. Tuy nhiên, kế hoạch này được xem xét khi Ukraine còn chưa lâm vào khủng hoảng và điều kiện đi kèm là GDP của Ukraine phải đạt mức tăng trưởng dự kiến là 3% và nợ công không vượt quá 53% GDP. Trong khi đó, với tình trạng hiện nay, mọi chỉ số của Ukraine đều không đáp ứng được các điều kiện này.

Kiev hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp bổ sung từ Đức và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong chuyến thăm Ukraine ngày 23/8 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết sẽ trợ giúp Ukraine 500 triệu euro nhưng không phải bằng tiền mặt mà dưới dạng bảo lãnh để Ukraine thực hiện các giao dịch ngoại thương.


Về vấn đề này, Giám đốc Viện phân tích chiến lược Nga Igor Nikolaev cho rằng đánh giá của Fitch phản ánh đúng hiện trạng của nền kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, thông tin Fitch đưa ra ít khả năng tác động đến chính sách của IMF và những đối tác đã cam kết giúp đỡ Ukraine vì lý do chính trị. Mặc dù các chỉ số của Ukraine đều đang ở mức đáng báo động, song nước này vẫn có khả năng tiếp cận một cách hạn chế thị trường tài chính thế giới thông qua sự bảo lãnh của Đức, Mỹ và IMF. Vấn đề là nguồn tiền này sẽ được sử dụng thế nào và có thể giúp Ukraine cầm cự được trong bao lâu. Rõ ràng với những số liệu đã công bố thì các khoản vay bên ngoài không thể đủ để giúp Ukraine vượt qua khủng hoảng kinh tế và nếu khủng hoảng chính trị không sớm được giải quyết thì việc Ukraine tuyên bố vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian.


TTK
IMF: Tăng trưởng kinh tế Ukraine sẽ âm 6,5% năm 2014
IMF: Tăng trưởng kinh tế Ukraine sẽ âm 6,5% năm 2014

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/7 dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine trong năm 2014 sẽ âm 6,5%, cao hơn mức dự báo trước đó là âm 5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN