Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine - ông Taras Vysotskiy cho biết nước này đã mất 1/4 tổng diện tích đất canh tác ở một số khu vực kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nhất là ở khu vực miền Nam và miền Đông. Mặc dù mất 25% diện tích đất canh tác nhưng cơ cấu cây trồng năm nay vẫn đủ để đảm bảo lương thực cho người dân. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ trong nước đã giảm "vì người dân đi sơ tán trong nước và ra nước ngoài".
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) và Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR), ước tính hơn 7 triệu người Ukraine đã phải sơ tán trong nước. Ngoài ra khoảng 7,3 triệu người đã ra nước ngoài, trong đó hơn một nửa sang nước láng giềng Ba Lan.
Thứ trưởng Vysotskiy nhấn mạnh rằng người nông dân Ukraine đã chuẩn bị tương đối tốt cho việc gieo hạt trước khi xảy ra xung đột. Trong tháng 2, Ukraine đã nhập khẩu 70% lượng phân bón cần thiết, 60% các sản phẩm kiểm soát dịch bệnh cây trồng và khoảng 1/3 nhiên liệu cần thiết" để gieo cấy.
Tuy nhiên, xung đột khiến nhiều cảng biển của Ukraine ở Biển Đen bị phong tỏa, ngăn cản hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, buộc người nông dân phải "thay đổi số lượng và chủng loại hạt gieo". Mặc dù vậy, ông Vysotskiy đảm bảo rằng xung đột không đe dọa nguồn cung lương thực phục vụ nhu cầu nội địa của Ukraine. Trong khi đó, LHQ cảnh báo xung đột có thể đẩy hàng chục triệu người trên thế giới vào tình trạng mất an ninh lương thực với các nguy cơ như suy dinh dưỡng và thiếu ăn.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 20-25 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng biển của Ukraine. Con số này có thể lên tới 70-75 triệu tấn vào mùa Thu.
Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine là nhà cung cấp lúa mì và ngô lớn thứ 4 thế giới.