Cụ thể, trong hai thập kỷ qua, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt cho 14 triệu người ở các vùng ven biển, và nguy cơ này dự kiến sẽ tăng gần gấp 5 lần vào năm 2.100, ảnh hưởng đến gần 73 triệu người.
UNDP, phối hợp với Phòng thí nghiệm tác động khí hậu (CIL), công bố dữ liệu trên thông qua nền tảng Human Climate Horizons. Công cụ này cung cấp bản đồ chi tiết về khả năng xảy ra lũ lụt, làm nổi bật các khu vực nơi nhà cửa và cơ sở hạ tầng gặp rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng.
Đáng chú ý, các khu vực ở Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng ngập lụt thường xuyên. Điều này có thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con người, đặc biệt là các khu vực trũng thấp ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển có nguy cơ đặc biệt.
Theo kịch bản nóng lên toàn cầu nghiêm trọng nhất, khoảng 160.000 km2 đất ven biển có thể chìm dưới nước vào năm 2100. Kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến các thành phố lớn ven biển ở các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo, việc giảm phát thải đáng kể có thể cứu được khoảng một nửa diện tích đất có nguy cơ bị ngập lụt.
Giám đốc Văn phòng Báo cáo phát triển con người của UNDP, ông Pedro Conceicao nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu những rủi ro này. Ông cho biết: “Nghiên cứu mới của chúng tôi là lời nhắc nhở nữa cho những người ra quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) rằng đã đến lúc phải hành động”.
UNDP cảnh báo nếu không có hệ thống đê bao bờ biển hiệu quả, một số thành phố lớn trên toàn thế giới có thể chứng kiến hơn 5% diện tích của họ bị ngập trong nước lũ vào cuối thế kỷ này.
Human Climate Horizons không chỉ đưa thông số về mực nước biển dâng mà còn đưa ra số liệu dự báo về những tác động rộng lớn hơn của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ, tỷ lệ tử vong, sử dụng năng lượng và động lực lực lượng lao động trên 24.000 khu vực trên toàn cầu.