Bà Audrey Azoulay phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp ngày 13/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Bà Azoulay nhấn mạnh :"Đây là quyết định của một quốc gia có chủ quyền và tôi tôn trọng, tuy nhiên điều này không phải là khởi đầu hay kết thúc của UNESCO". Theo bà Azoulay, đã có một thời gian dài hơn 15 năm, UNESCO không có Mỹ.
Bà Azoulay cho rằng việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ không có lợi cho Mỹ và UNESCO sẽ tiếp tục làm việc với xã hội dân sự Mỹ, các trường đại học và các nhà khoa học Mỹ.
Cả Mỹ và Israel ngày 12/10 vừa qua đều thông báo rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này "duy trì thành kiến chống Israel".
Mỹ từng rút khỏi UNESCO năm 1984 vì cho rằng tổ chức này quản lý tài chính kém và có xu hướng chống Mỹ. Sau đó vào năm 2002, Mỹ quay trở lại UNESCO. Tuy nhiên, đến năm 2011, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này sau khi các thành viên của tổ chức bỏ phiếu công nhận Palestine là thành viên đầy đủ.
UNESCO, có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Đây là một tổ chức của Liên hợp quốc có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức này là giáo dục, văn hoá, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông. Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này. Mỹ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO kể từ ngày 31/12/2018.