Ngày 16/4, Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault cam kết tài trợ 100 triệu euro (113 triệu USD) để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris sau khi phần lớn công trình mang tính biểu tượng văn hóa nổi bật này bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn vừa qua.
Trong một thông báo gửi tới hãng tin AFP (Pháp), Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kering cho biết số tiền sẽ được dành cho các công tác cần thiết trong việc xây dựng lại nhà thờ. Tập đoàn Kering là chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci và Yves Saint Laurent. Khoản tiền tài trợ sẽ được trích từ công ty đầu tư của gia đình Pinault Artemis.
Trước đó, một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này. Ông André Finot, người phát ngôn của nhà thờ, cho hay đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Hà Nội) ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Đám cháy xảy ra trong bối cảnh cộng đồng Công giáo đang chuẩn bị tổ chức Lễ Phục sinh, dự kiến vào ngày 21/4 tới. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy. Các công tố viên Pháp cho biết đang xử lý đám cháy theo hướng "không cố ý" gây cháy, đồng nghĩa với việc âm mưu cố tình gây cháy đã bị bác bỏ. Hiện đám cháy đã được khống chế.
Gần 500 lính cứu hỏa đã được huy động và tới nay đám cháy đã được khống chế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi phát biểu về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15/4 và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc. Ông Macron kêu gọi triển khai một chiến dịch xây dựng lại nhà thờ, trong đó có việc huy động quỹ từ các nhà tài trợ và sự đóng góp của các "tài năng" trên toàn thế giới.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của Nhà thờ có niên đại 850 năm đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ và không có nguy cơ bị cháy.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự nuối tiếc khi một đám cháy lớn thiêu rụi một phần của Nhà thờ Đức Bà tại trung tâm thủ đô Paris, bởi công trình hàng trăm năm tuổi này đã in đậm trong ký ức mỗi người khi biết đến nền văn hóa Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Chủ tịch châu Âu Donald Tusk khẳng định Liên minh châu Âu (EU) luôn sát cánh với nước Pháp trong thảm kịch này bởi nhà thờ Đức Bà của Paris cũng chính là Nhà thờ Đức Bà của toàn châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker khẳng định nhà thờ là di sản của toàn nhân loại, là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà văn, họa sĩ, triết gia và du khách trên toàn thế giới.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cảm thấy bàng hoàng trước những hình ảnh đám cháy tàn phá một trong những di sản thế quý trên thế thới có từ thế kỷ 14, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ với nhân dân và chính phủ Pháp. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện sự đau lòng khi nhìn thấy nhà thờ Đức Bà, biểu tượng văn hóa vĩ đại của châu Âu, bị giặc lửa tàn phá và cầu chúc cho các lực lượng đang nỗ lực khống chế đám cháy.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel bày tỏ "cảm xúc mãnh liệt" khi chứng kiến đám cháy tàn phá nhà thờ Đức Bà, một phần của lịch sử pháp và toàn châu Âu. Qua đó, ông bày tỏ chia sẻ và ủng hộ với những người bạn Pháp. Đây cũng là những chia sẻ của Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gọi đây là công trình văn hóa nhân loại và là một trong những công trình nghệ thuật đẹp nhất trong lịch sử Pháp.
Từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama cũng đều đăng tải những dòng chia sẻ thể hiện sự bàng hoàng trước thông tin về đám cháy đồng thời kêu gọi nhanh chóng hành động để hạn chế thiệt hại.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ sự đau buồn khi ngọn lửa tàn khốc phá hủy ngọn tháp và mái của Nhà thờ Đức Bà ở Paris chiều tối ngày 15/4. Thủ tướng Morrison tin tưởng người dân Paris sẽ xây dựng lại sau vụ hỏa hoạn hủy diệt tại Nhà thờ Đức Bà. Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng bày tỏ sự cảm thông, đồng thời kêu gọi Australia thành lập một quỹ để hỗ trợ cho việc phục hồi nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ XII. Quá trình thi công công trình này diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm sau đó. Nhà thờ này trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo. Nhà thờ đã tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Mỗi năm, địa điểm này thu hút từ 12 -14 triệu lượt khách tham quan tương đương trung bình khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày.