Chatbot này được ra mắt vào hôm 5/7. Công cụ này “lắng nghe” câu hỏi của người sử dụng về ứng cử viên Francis Suarez - thị trưởng Miami- và liên kết nó với video giải đáp.
Chatbot tự giới thiệu: “Xin chào. Tôi là AI Francis Suarez. Có lẽ bạn đã nghe nói rằng người trùng tên với tôi, thị trưởng theo đường lối bảo thủ của Miami - Francis Suarez - đang tranh cử tổng thống. Tôi sẽ trả lời các câu hỏi của bạn liên quan đến chương trình nghị sự của thị trưởng Suarez về thịnh vượng kinh tế, cắt giảm chi tiêu và hỗ trợ cảnh sát của chúng ta”.
Chatbot này được cung cấp bởi VideoAsk, một sản phẩm do công ty phần mềm Typeform tạo ra. Theo trang web của VideoAsk, khách hàng có thể tạo “kênh video” đưa người truy cập đến các con đường khác nhau tùy thuộc vào câu hỏi họ đặt ra.
Chatbot dường như không trả lời các câu hỏi thực tế của người dùng mà thay vào đó, nó hướng họ đến video chủ đề trong nền tảng của ông Suarez.
Một ví dụ là khi được hỏi về kế hoạch nhập cư của ứng cử viên Suarez, chatbot bắt đầu phát một video dài 55 giây về “Mô hình Miami của thị trưởng Suarez” xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau bao gồm “sự thịnh vượng kinh tế ở Miami”, tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm, tỷ lệ giết người và tình trạng vô gia cư.
Một số câu hỏi khiến chatbot bối rối dẫn đến màn hình hiển thị "Xin lỗi, tôi không hiểu…”.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết đây là minh chứng cho thấy việc ứng dụng công cụ AI tạo sinh trong vận động tranh cử cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Trong tháng 6, ban vận động tranh cử của Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa, đã tung một video trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh do AI tạo ra. Trong video này, cựu Tổng thống Donald Trump ôm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là Tiến sĩ Anthony Fauci.
Và vào tháng 4, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã tung một quảng cáo hoàn toàn do AI tạo ra với nội dung về kịch bản trong tương lai nếu Tổng thống Joe Biden tái đắc cử.
Các công cụ AI đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, giúp việc tạo hình ảnh, video hoặc khối văn bản nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chúng cũng có thể được sử dụng để tạo ra thông tin sai lệch có hại nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Một số kịch bản trong đó AI bị lợi dụng cho mục đích xấu trong bầu cử bao gồm sử dụng giọng nói của ứng cử viên để hướng dẫn cử tri bỏ phiếu sai ngày, tạo bản ghi âm giả ứng cử viên thú nhận tội ác hoặc bày tỏ quan điểm phân biệt chủng tộc, “chế” video có cảnh một nhân vật nào đó phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn. Bên cạnh đó còn có hình ảnh giả mạo được thiết kế để trông giống như ảnh báo chí, tuyên bố sai sự thật rằng một ứng cử viên đã bỏ cuộc tranh cử…